Đốt nén trầm hương ngày đại lễ 30/4, suy ngẫm về vận hội đất nước

Đốt nén trầm hương ngày đại lễ 30/4, suy ngẫm về vận hội đất nước
TP - Vào những ngày lễ trọng 30/4 kỷ niệm sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, tôi thường đốt nén trầm hương Khánh Hòa, trong làn khói thơm của thứ sản vật hội tụ linh khí của trời đất ấy, suy ngẫm về vận hội đất nước, về thời cuộc.

“Trong đau thương dó biến thành trầm” câu thơ nói về sự hình thành của trầm hương- cũng  khiến tôi nghĩ nhiều về lẽ sinh tồn, về sự vươn lên, khát vọng tạo giá trị riêng có và  liên tưởng tới lịch sử dân tộc. Lịch sử Việt Nam có gì đó giống như quá trình tạo tác trầm hương, trải qua bao nhiêu đau thương vẫn vươn lên mạnh mẽ, trải qua bao cuộc chiến tranh vẫn vượt lên hận thù, yêu chuộng  chính nghĩa, hòa bình. Ngày 30/4 giải phóng miền Nam đã lùi xa hơn 40 năm, đủ để một thế hệ trưởng thành, nhưng ý nghĩa của sự độc lập thống nhất, giang sơn liền một giải, Bắc - Nam chan hòa ngày càng tỏa sáng trong thế cuộc hôm nay. “Ta đi trong muôn ánh sao vàng màu cờ, tung bay, rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây”, câu hát ấy vang lên trong ngày đại lễ 30/4 làm náo nức lòng người.  Thời đại mới đã đến, thời đại của toàn cầu hóa, thời đại của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của giao thương trong thế giới phẳng cần một tư duy mới.

43 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, một thế hệ người Việt Nam mới đã trưởng thành. Thế hệ đó lớn lên trong hòa bình, giờ  đây hàng ngày lướt mạng, vuốt màn hình điện thoại thông minh nên suy nghĩ có nhiều điểm khác với thế hệ cha anh đi trước. Hãy tôn trọng sự khác biệt  đó và đặt niềm tin vào họ, những người trẻ không còn “đóng khung” suy nghĩ  và cuộc đời mình  vào một không gian được vạch sẵn. Thế hệ trẻ Việt Nam phải trở thành những công dân toàn cầu, được học hành bài bản, có thể làm việc bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng thấm nhuần lịch sử, văn hóa dân tộc, hiểu biết về các dân tộc và đối tác trên toàn cầu và luôn được hun đúc bởi lòng yêu nước. Tình yêu nước trong thời đại toàn cầu hóa cũng có những nội hàm mới, không chỉ yêu quê hương, xứ sở, yêu dòng sông, yêu biển đảo, mà còn phải làm sao cùng nhau xây dựng được thương hiệu Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Nhưng nhiều năm nay, Việt Nam vẫn bị gắn tiếng là nước xuất khẩu nguyên liệu thô, gia công và lắp ráp cung cấp các yếu tố đầu vào cho các tập đoàn lớn để họ tạo nên những thương hiệu lớn. Nhưng trên tất cả, thương hiệu Việt Nam không chỉ tên một mặt hàng, một nhãn mác nào đó, mà còn là thương hiệu của văn hóa, thương hiệu con người…Chúng ta không thể  xây dựng thương hiệu đất nước bằng xuất khẩu tài nguyên thô, bằng gia công các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp… mà trên tất cả phải bằng trí tuệ, đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Việt Nam đã trải qua con đường đầy máu và hoa, để làm nên những chiến thắng vẻ vang trong quá khứ như 30/4/1975, chúng ta tự hào vì thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng tôi mong trong tương lai, chúng ta sẽ tự hào vì tránh được mọi cuộc chiến tranh.

Đốt nén trầm hương ngày đại lễ 30/4, suy ngẫm về vận hội đất nước ảnh 1

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa  

 Việt Nam không còn là tên một cuộc chiến tranh, mà đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Việt Nam trở thành đất nước của hòa hợp và hòa giải hận thù, kiến tạo hòa bình.  Với tư duy toàn cầu hóa, chúng ta có thể huy động nguồn lực trên khắp thế giới để xây dựng đất nước và giải quyết những vấn đề đang phải đối mặt. Mối liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia, các thị trường thời toàn cầu hóa ngày càng chặt chẽ. Nếu đất nước láng giềng hay nơi nào đó có chiến tranh thì chúng ta cũng không thể nào tránh được ảnh hưởng tiêu cực, điều này cũng giống như “hiệu ứng cánh bướm”, khi mà “một con bướm đập cánh ở Brasil cũng có thể gây ra cơn lốc ở  bang Texas (Mỹ)”. Vì thế, ngày chiến thắng 30/4 cũng là lúc suy ngẫm để thấm thía hơn giá trị của hòa bình, hòa giải, không chỉ của Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Đốt nén trầm hương ngày đại lễ 30/4, suy ngẫm về vận hội đất nước ảnh 2 Đất nước ngày càng phát triển, hiện đại và văn minh. Trong ảnh: Một góc TPHCM hôm nay ảnh: hồng vĩnh
Thời đại 4.0,  phải xây dựng nền kinh tế tri thức, sáng tạo, nhưng trước hết phải có nền hòa bình vững chắc. Vì lẽ đó, tôi và các cộng sự cùng đối tác đang hợp sức xây dựng Làng hòa bình và sáng tạo ở Nha Trang (iNhatrang).
iNhaTrang sẽ là nơi hội tụ của các học giả những nhà sáng tạo công nghệ, những nghệ sĩ, những nhà sáng tạo văn hóa hàng đầu thế giới đến nghỉ ngơi, sáng tạo. iNhaTrang tham vọng trở thành  nơi các công ty sáng tạo, khởi nghiệp của thế giới công bố ra mắt sản phẩm dịch vụ của mình, cầu nối giữa các sản phẩm dịch vụ công nghệ mới với toàn thế giới văn minh, phát triển,  nơi hội tụ các giá trị sáng tạo khoa học công nghệ… Tôi tin sẽ làm được, tại sao không? Chiến thắng vĩ đại 30/4 cho chúng ta niềm tin, với khát vọng lớn, người Việt Nam có thể tạo nên những điều kỳ diệu. Tôi nhìn lên bầu trời đêm có hàng ngàn vạn tinh tú, trái đất của chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ bé trong dải ngân hà, dải ngân hà lại cũng rất tí hon nếu đặt trong một cấu trúc vũ trụ mà các nhà khoa học vừa chụp được ảnh. Cấu trúc vũ trụ đó cũng nhỏ bé nếu đặt trong các cấu trúc vũ trụ khác. Không gian không có giới hạn, vậy chúng ta đừng tự giới hạn không gian của mình trong thời đại toàn cầu hóa, đừng tự giới hạn suy nghĩ và “đóng khung” tư duy của mình trong một thế giới luôn biến động, mà chiến thắng của hôm qua không có gì đảm bảo chắc chắn cho thành công hôm nay nếu không tự nỗ lực vươn lên bằng nội lực dân tộc, nội lực người Việt Nam thông minh, sáng tạo với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường.
MỚI - NÓNG