Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: JICA muốn chậm, ĐSVN muốn nhanh

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: JICA muốn chậm, ĐSVN muốn nhanh
TP - Đánh giá mới nhất của các nhà nghiên cứu Nhật Bản về đường sắt cao tốc Bắc - Nam là chi phí đầu tư cao hơn dự kiến trước đây, nhưng hiệu quả hơn nếu lùi thời gian xây dựng 10 đến 20 năm.

Khi dự án thành công, hành khách đi từ Hà Nội đến TPHCM chỉ mất năm tiếng rưỡi.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: JICA muốn chậm, ĐSVN muốn nhanh ảnh 1
Đến bao giờ người Việt Nam sẽ đi tàu hỏa cao tốc như người dân Nhật Bản?

Lùi chỉ vì hiệu quả kinh tế?

Hội thảo về đường sắt cao tốc Bắc - Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 15/9 khiến nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - đơn vị thực hiện Dự án Nghiên cứu Toàn diện về phát triển bền vững hệ thống GTVT ở Việt Nam (JICA) đánh giá kịch bản toàn tuyến (đường sắt cao tốc) đưa vào khai thác từ năm 2026 (như dự kiến) sẽ không đảm bảo lợi ích kinh tế do nhu cầu đi lại chưa cao.

Theo Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030: Xây dựng mới các tuyến đường sắt cao tốc và đường sắt tốc độ cao; ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 350 km/h.

Báo cáo nghiên cứu mới nhất, đường sắt cao tốc Bắc Nam có tổng chiều dài 1.570 km; tốc độ khai thác là 300 km; tổng kinh phí khoảng 38 tỷ USD (chưa tính đầu máy toa xe, chi phí dự phòng, thuế)...

Theo tính toán của JICA, chẳng hạn vào năm 2030, nếu giá vé tàu hỏa cao tốc bằng 1/2 giá vé máy bay, sẽ có 208.000 khách/ngày. Như vậy, tàu hỏa cao tốc cũng chỉ đảm bảo chi phí vận hành chứ không có khả năng thu hồi vốn đầu tư xây dựng.

Từ đó, JICA kết luận kịch bản toàn tuyến sẽ khả thi, nếu được khai thác sau năm 2036 cộng với nỗ lực đẩy nhanh phát triển đô thị dọc tuyến để thu hút hành khách đi tàu.

JICA cũng cho rằng, phương án xây dựng từng đoạn tuyến như Hà Nội- Vinh, TPHCM - Nha Trang… ít khả thi về kinh tế nếu triển khai ngay từ năm 2020.

Theo đó, kết luận của JICA: Với điều kiện phát triển đô thị theo dọc tuyến đường sắt cao tốc, kịch bản phát triển từng đoạn gồm hai đoạn tuyến trên mới có thể gần bằng hoặc trên mức khả thi về kinh tế vào năm 2020.

JICA cho biết, muốn đường sắt cao tốc khả thi (về kinh tế) thì nhu cầu đi lại phụ thuộc vào dân số đô thị của các thành phố dọc tuyến đường sắt cao tốc ở mức 39 triệu người.

Tổng Cty Đường sắt Việt Nam có ý kiến khác

Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng không tán đồng với kết luận của JICA. Theo ông Bằng, ngoài tính khả thi về mặt kinh tế, phải tính đến các hiệu quả về mặt xã hội của dự án.

“Theo tính toán, đường sắt cao tốc sẽ thu hút được 26 phần trăm lượng hành khách lưu thông. Với mức độ an toàn của đường sắt cao tốc, số người chết vì TNGT sẽ giảm đi. Do đó, dù hiệu quả đầu tư chưa hấp dẫn, nhà nước vẫn đầu tư. Tôi đề nghị JICA sửa lại kết luận của báo cáo”, ông Bằng nói.

Bên lề hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê cũng cho rằng, nhiều nước trên thế giới đều coi đường sắt cao tốc là xương sống của ngành GTVT. Bởi vì, nếu so với đường bộ cao tốc thì diện tích dành cho đường sắt hẹp hơn, an toàn và hiệu quả kinh tế lâu dài cũng hơn, lại còn bảo vệ môi trường vì ít khí thải....

Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ dự án để trình Chính phủ. Tiếp đó, Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội về dự án này.

MỚI - NÓNG