Dừng dự án lấp sông Tiền xây công viên: Chủ đầu tư nói gì?

 Hiện trường công viên trái cây Cái Bè. ẢNH: Nhật Huy.
Hiện trường công viên trái cây Cái Bè. ẢNH: Nhật Huy.
TP - Sau khi Bộ TN&MT có công văn hỏa tốc đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo dừng dự án Công viên trái cây ở huyện Cái Bè vào ngày 1/11.  Ngày 2/11, chủ dự án là UBND huyện Cái Bè có buổi làm việc với phóng viên báo Tiền Phong xoay quanh vấn đề này.

Tạm dừng dự án

 Ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, nhận được chỉ đạo của Bộ TN&MT nên phía tỉnh tạm thời cho dừng dự án lại để rà soát công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đánh giá tác động của dự án tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông theo quy định. Đồng thời, rà soát lại việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước.

Ông Thanh cho biết, khu vực dự án công viên trái cây là vùng hạ lưu nằm sau cồn Hòa Khánh (huyện Cái Bè), đoạn sông này do tỉnh quản lý. Hơn nữa, lưu lượng dòng chảy không lớn. “Khi Bộ TN&MT vào làm việc với UBND huyện Cái Bè thì chúng tôi cũng sẽ báo cáo quy trình và chủ trương đầu tư, thủ tục giấy phép đường thủy nội địa đầy đủ”, ông Thanh nói và cho biết, cơ quan thực hiện đánh giá tác động môi trường là Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. “Nếu cần thiết chúng tôi sẽ nhờ đơn vị này báo cáo đánh giá tác động lại lần nữa” - ông Thanh cho hay.

Phóng viên đặt câu hỏi về nguồn cát cho dự án này sẽ được lấy từ đâu trong khi số lượng không hề nhỏ là 695.388m3, ông Thanh cho biết, nguồn cát trên sẽ được lấy từ địa phương. Tuy nhiên “mỏ cát thì chưa được UBND tỉnh cấp phép”- ông Thanh cho biết.

Khi hỏi về việc chủ đầu tư lấy ý kiến của người dân cũng như các chuyên gia khi thực hiện dự án có được sự đồng thuận hay không, ông Thanh từ chối trả lời và yêu cầu ghi lại câu hỏi và thông tin sau cho báo chí.

“Thủ tục đã làm đủ các bước, ví dụ về đường thủy nội địa cũng có xin giấy phép của Chi cục Quản lý đường thủy nội địa phía Nam. Kế hoạch đánh giá tác động môi trường, do khúc sông này do  tỉnh quản lí nên UBND tỉnh phê duyệt, cũng là người quyết định đầu tư và triển khai dự án. Nhìn chung trình tự thủ tục đầy đủ nhưng sau khi có phản ánh của báo chí nên UBND tỉnh cũng có ý kiến dừng lại để rà soát xem các thủ tục có đúng hay không”, ông Thanh nói. Đồng thời, ông Thanh cho biết, “việc triển khai như vậy đã đúng thủ tục”.

Theo nội dung của dự án, phần lớn đất lấn sông nhằm phục vụ hạng mục công viên - vườn cây được phân bố thành 2 khu vực với tổng diện tích 54.149m2. Trong đó, một khu để trồng các loại cây ăn trái như bưởi long Cổ Cò, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu... và khu còn lại được quy hoạch như công viên cây xanh kết hợp với mặt nước sông Tiền để du khách tham quan, ngắm cảnh.

Ngoài ra, hơn 13.000m2 sẽ được sử dụng làm khu thương mại dịch vụ, khu này khai thác các lô đất có vị thế thuận lợi giao thông, cảnh quan đẹp, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch chủ yếu là các quán ăn, quán nước. Còn diện tích còn lại để phục vụ vào mục đích giao thông, sân bãi nội bộ, đất bãi đỗ xe phục vụ du lịch, đất cho cây xanh.

Dừng dự án lấp sông Tiền xây công viên: Chủ đầu tư nói gì? ảnh 1 Ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè.

“Việc sạt lở diễn ra từ lâu rồi”(?)

Về ý kiến người dân lo lắng sẽ làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở bờ đối diện ngay khi triển khai thực hiện dự án này, ông Thanh cho biết, thực tế việc sạt lở ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) đối diện với dự án đã diễn ra từ nhiều năm nay, cụ thể là khoảng năm 2010. Riêng đối vối dự án công viên trái cây, dự án này chỉ mới đóng kè, chưa khép kín nên nói gây sạt lở cho cù lao Tân Phong là không đúng. Theo ông Thanh, đối diện dự án này không có sạt lở mà chỉ sạt lở ở phía trên đầu cồn Tân Phong và phía dưới Vàm Cái Bè do sông Cái Bè chảy mạnh.

Theo kế hoạch, trong năm 2017 dự án sẽ hoàn thành phần san lấp mặt bằng. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư trên 50%, còn lại xã hội hóa. Về dư luận cho rằng sau khi dự án hình thành, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xã hội hóa sẽ được mở nhà hàng để kinh doanh trên phần đất lấn sông, ông Thanh khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó.

Dự án Công viên trái cây tại huyện Cái Bè do UBND huyện Cái Bè làm chủ đầu tư với quy mô diện tích khoảng 9,78ha, nằm tại khu vực tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè, trong đó diện tích phần lấn sông Tiền khoảng 6,8ha với chiều dài lấn sông (chỗ lấn ra sông) lớn nhất là 160m, trung bình là 110m, chiều dài kè của dự án vào khoảng 800m. Hiện nay, chủ dự án đã tiến hành thi công và hoàn thiện gần như hoàn toàn việc đóng cọc bê tông dự ứng lực tổng chiều dài của dự án và đang tiến hành làm kè bằng rọ đá và chuẩn bị bơm cát vào san lấp sông Tiền. Theo chủ đầu tư, khu vực dự án là vùng nước nông, độ sâu mực nước dao động từ 1,278-1,294m vào mùa khô, chế độ thủy văn qua vùng dự án khá hiền hòa và không có xoáy, vận tốc dòng chảy dao động từ 0,2-0,9m/s.

MỚI - NÓNG