Giấc mơ đảo Ngọc: Khắc khoải trong vùng dự án

Một vườn tiêu đang “chết lâm sàng” tròng vùng dự án ở xã Cửa Cạn
Một vườn tiêu đang “chết lâm sàng” tròng vùng dự án ở xã Cửa Cạn
TP - Đã 15 năm trôi qua kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký QĐ số 178/2004: “Đề án phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”, hòn đảo này đã có những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế. Tuy nhiên, hòn Ngọc trên biển tây Nam này đã phải trả giá quá đắt cho sự phát triển.  

Đảo Phú Quốc có hơn 300 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 10 năm qua, nhưng dự án được triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế hàng chục ngàn dân bỗng trở thành nạn nhân của các nhà đầu tư trên giấy. Trong đó, xã Bãi Thơm là “điển hình” cho các dự án… treo.

Ruộng vườn tan hoang

Từ thị trấn Dương Đông, dọc theo tuyến đường chính đi xuyên Vườn Quốc gia Phú Quốc lên phía Bắc đảo, chúng tôi đến địa bàn xã Bãi Thơm (huyện Phú Quốc). Dọc theo trục đường chính, nhà dân thưa thớt, tạm bợ, đất đai bỏ không, những hàng tiêu úa vàng, sống lay lắt giữa cái nắng mùa khô. Ghé thăm người dân hai bên đường mới hay, đất đai ở đây đã nằm trong vùng dự án. Dự án nào, tên gì, của ai, khi nào triển khai… thì với họ chỉ là “nghe vậy thôi”. Mà thực ra họ cũng không mấy quan tâm, vì hàng ngày phải mưu sinh lo cuộc sống, không biết dự án có đem lại điều gì. Bà Nguyễn Thị Bảy nói: Mười mấy năm trước có đoàn cán bộ tới họ đo đạc đất nhà tôi, sau đó nói đất nằm trong dự án, cấm trồng cây, xây nhà, nuôi gà, nuôi heo… rồi họ đi luôn đến giờ. Nhà nghèo, con cái thất học, đứa đi lặn biển, đứa đi làm thuê kiếm sống qua ngày.

Giấc mơ đảo Ngọc: Khắc khoải trong vùng dự án ảnh 1 Góa phụ Võ Kha Ly có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống “lay lắt” trong vùng dự án

Biển ngày càng cạn kiệt. Cá tôm ít dần, nhiều người bỏ nghề, lên bờ làm mướn. Anh Lê Văn Đông (ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm) cho biết nghề đi biển của anh hiện cũng chẳng khấm khá, nhưng không biết làm gì nên vẫn phải bám trụ để sống. Ngôi nhà gỗ tạm bợ, xiêu vẹo bao năm nay vẫn vậy, khu vườn mấy công đất cũng để không. Theo anh Đông, nghe nói ở đây đã dính vào đất của một dự án, giờ muốn cất nhà không được, cũng chưa biết được đền bù ra sao, đành chờ vậy. 

Cách nhà anh Đông không xa, chị Võ Kha Ly có hoàn cảnh thuộc diện khó khăn nhất trên địa bàn xã. Năm nay 35 tuổi, chồng (đi biển) mất cách đây 2 năm, bỏ lại chị với 4 đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất học lớp 4, nhỏ nhất 2 tuổi. Không có nghề nghiệp, hàng ngày ai kêu gì chị làm nấy, mỗi ngày thu nhập khoảng 100 - 200 ngàn đồng, khi có khi không. Ngày Tết được chính quyền cho ít gạo, lâu lâu có nhà hảo tâm cho gì nhận đó… Hỏi về dự án, chị cho biết: “Đã có người đến đo đạc chứ chưa nghe nói bồi thường giá bao nhiêu, khi nào được nhận tiền và bố trí tái định cư ra sao”…

Tương lai mờ mịt

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thanh Huyền - Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm cho biết trên địa bàn xã hiện có 20 dự án, trong đó có 4 dự án về quốc phòng an ninh, 2 dự án về an sinh xã hội, còn lại là các dự án về kinh tế, dịch vụ, du lịch… Các dự án này bao trùm lên hầu hết đất của xã, chiếm khoảng 3/4 diện tích đất. Theo đó, toàn xã có 1.700 hộ dân thì có đến 1.200 hộ nằm trong vùng dự án phải di dời. Theo trục đường chính, phía biển qui hoạch đến sát biển, phía rừng đến sát ranh rừng, xem như không còn chỗ nào nằm ngoài đất dự án, trừ trụ sở, cơ quan… Như vậy, hàng ngàn dân xã này sẽ phải dồn vào một chỗ tái định cư. Nhưng việc xây dựng tái định cư cho dân cũng chưa biết lúc nào thực hiện.

“Chưa có một dự án nào đi vào hoạt động, chưa thấy một tương lai gì cho vùng đất và người dân Bãi Thơm. Nguyên nhân chậm dự án lại được “đổ thừa” do chưa có tái định cư… Trong khi đó, trên địa bàn lại xuất hiện tình trạng phân lô bán nền bất hợp pháp trên đất nông nghiệp. Nhiều đối tượng từ địa phương khác tới lén lút làm đường bê tông tạm bợ, rồi phân lô, tách thửa, mua bán tùm lum. Đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng không hiểu sao lại được phép tách thửa. Hiện nay chính quyền địa phương cũng không biết các đối tượng này ở đâu để xử lý”, Chủ tịch Huyền bức xúc.   

Tại ấp Đá Chồng có 430 hộ dân thì có khoảng hơn 300 hộ nằm trong vùng dự án. Năm 2012, một “đại gia” đến từ Hoa Kỳ đã xin đầu tư một dự án nhưng không triển khai, hiện nay một “ông lớn” khác trong nước tiếp tục “vẽ” ra dự án mới và lấy hết ba phần tư diện tích đất của ấp này. Tuy nhiên, dự án cũng chỉ mới thông báo miệng, chưa có thông báo kiểm đếm để bồi thường gì. Hai bên đường mấy năm qua xuất hiện một số bảng hiệu của công ty này, công ty kia nhưng không thấy trụ sở, không có người làm việc, không ai biết để làm gì, khi cơ quan thuế đến hỏi thì chính quyền cũng không biết trả lời sao. 

Ông Nguyễn Văn Sáu (ấp Rạch Tràm) cho biết: Trước đây họ có đưa mức giá đền bù nhưng thấp quá, bằng một phần 10 giá thị trường, nên không ai đồng ý. Doanh nghiệp muốn đầu tư, việc đền bù phải thương lượng trực tiếp với dân, không thể “mượn tay” nhà nước rồi đưa ra giá bèo, đẩy người dân đi. Doanh nghiệp được xây nhà cao tầng, được làm giàu, còn tiền đền bù cho dân quá rẻ mạt, không thể mua lại đất khác, buộc quay lại làm thuê cho doanh nghiệp, sao nghịch lý vậy?  

Ông Nguyễn Minh Trực – Trưởng phòng kinh tế huyện Phú Quốc cho biết: Diện tích tiêu toàn huyện hiện chỉ còn 360 ha (giảm hơn 1/2), tuy nhiên thực tế thấp hơn. Nhiều vườn tiêu đã “chết lâm sàng” và người dân đang có xu hướng bỏ. Giá tiêu rớt thê thảm trong nhiều năm qua, hiện chỉ còn 45-50 ngàn đồng một kg, trong khi đó thời hoàng kim lên tới 200 đến 300 ngàn/kg. Nhiều cây trồng vật nuôi khác như cây điều, bò, heo... cũng giảm mạnh. Hầu như người dân không còn quan tâm đến nông nghiệp, thậm chí đất nông nghiệp được chuyển sang xây... nhà trọ.

Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết: Toàn đảo hiện có 304 dự án, diện tích 10.882ha, trong đó 262 dự án được cấp Giấy chứng nhận và Quyết định chủ trương đầu tư (diện tích 9.310,78ha, tổng vốn 305.423 tỷ đồng). Có 47 dự án được đưa vào khai thác (diện tích 1.202ha, tổng vốn khoảng 13.504 tỷ đồng); 41 dự án đang triển khai xây dựng (diện tích 3.581 ha, tổng vốn 126.380 tỷ đồng). Có 31 dự án FDI, với tổng vốn 293 triệu USD.

MỚI - NÓNG