Giải ngân vốn đầu tư công chậm, còn 129.000 tỷ đồng chưa tiêu được

Nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề do đại dịch COVID - 19 Ảnh: Như Ý
Nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề do đại dịch COVID - 19 Ảnh: Như Ý
TP - Trước tác động bởi dịch bệnh COVID-19, Chính phủ trình phương án điều chỉnh các chỉ tiêu, trong đó có điều chỉnh tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng khoảng 4,5% thay vì 6,8% như trước đây.

Ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và những tháng đầu năm 2020. Trước tác động bởi dịch bệnh COVID-19, Chính phủ trình phương án điều chỉnh các chỉ tiêu, trong đó có điều chỉnh tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng khoảng 4,5% thay vì 6,8% như trước đây.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, tổng thu ngân sách đạt hơn 1,55 triệu tỷ đồng, trong khi đó, tổng chi ngân sách gần 1,75 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách năm 2019 ở mức gần 203.000 tỷ đồng (khoảng 8,7 tỷ USD), so với 2018, thâm hụt ngân sách giảm gần 19.000 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tồn tại lớn nhất trong điều hành năm 2019 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước vẫn chậm, cả năm gần 71% dự toán. Hiện vẫn còn khoảng gần 129.000 tỷ đồng chưa được giải ngân, phải chuyển nguồn sang 2020. 

Nguồn vượt thu và tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2019 là 49.000 tỷ đồng. Trong số này sẽ dành 13.000 tỷ đồng tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 20.000 tỷ đồng. Còn nguồn vượt thu của ngân sách địa phương hơn 106.000 tỷ đồng, sẽ dành gần 23.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương, số còn lại được sử dụng theo các nội dung quy định trong luật ngân sách.

Về thu chi ngân sách năm 2020, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, sẽ khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Dự toán ngân sách năm 2020, tổng thu hơn 1,51 triệu tỷ đồng, chi hơn 1,74 triệu tỷ và bội chi khoảng 234.800 tỷ đồng. “Trước tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa... tạo sức ép ngày càng lớn đến thu ngân sách”, ông Dũng nói.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, hụt thu ngân sách năm 2020 là khó tránh khỏi. Cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát lại dự toán đã giao để cân đối đủ nguồn và bố trí vốn phù hợp cho các dự án để bảo đảm tính khả thi. Về việc tập trung ưu tiên tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các chính sách cấp bách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, theo ông Hải, chủ trương này hợp lý và đúng quy định, Chính phủ cần sớm phân bổ nguồn vốn này và báo cáo Quốc hội.

Nỗ lực, nỗ lực hơn nữa

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng qua cho thấy, nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề do đại dịch COVID-19. Trong quý 1/2020 tăng trưởng đạt thấp, nhiều lao động mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua; tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.

Sang tháng 4/2020, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, ăn uống, vui chơi, giải trí… Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn có những “điểm sáng” khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, kịch bản tăng trưởng Chính phủ đưa ra khá lạc quan dựa trên kết quả phòng, chống dịch khá tốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam vẫn còn lao đao. Vậy chúng ta mua bán với ai? Xuất khẩu, nhập khẩu với ai? Trong khi du lịch vẫn chưa cho khách nước ngoài vào?

Bà Ngân cho rằng, bây giờ phải nỗ lực cao nhất để hạn chế việc sụt giảm. “Lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là phải tột độ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, không có chuyện Quốc hội không chịu điều chỉnh chỉ tiêu. “Quốc hội sẵn sàng nhưng phải có thời gian thẩm định, đánh giá”, bà Ngân nói.

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020

Kịch bản 1: Khi thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế, kiểm soát được dịch trong quý 3/2020, dự kiến GDP tăng khoảng 4,4 - 5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6 - 2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5 - 2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7 - 7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8 - 3,6%.

Kịch bản 2: Khi thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế, kiểm soát được dịch trong quý 4/2020, dự kiến GDP tăng khoảng 3,6 - 4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4 - 3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1 - 2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8 - 6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8 - 2,8%.

MỚI - NÓNG