Giảm đại biểu HĐND để giảm kinh phí có mất đi vai trò của cơ quan dân cử

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thấy "thiển cận, đau lòng" khi đặt vấn đề giảm đại biểu thì giảm bao nhiêu tiền
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thấy "thiển cận, đau lòng" khi đặt vấn đề giảm đại biểu thì giảm bao nhiêu tiền
TPO - “Mặc dù đồng tiền của dân, đóng thuế trong dân là rất quan trọng, song để nói giảm bao nhiêu tiền khi giảm số lượng đại biểu (ĐB) thì có gì đó rất thiển cận, đau lòng”, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu.

Tổ chức bộ máy và giảm số lượng đại biểu HĐND là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 10/6.

Đồng ý với một số nội dung trong dự thảo, song đb Nguyễn Thị Quyết Tâm, cựu Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, việc sửa luật phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan, sát với thực tiễn, yêu cầu đề ra, tránh chủ quan, duy ý chí. Bà ví dụ, trong đánh giá tác động, chỉ có 1 tỉnh đề nghị giảm số lượng phó chủ tịch HĐND, nếu chỉ dựa vào một ý kiến đó mà đưa vấn đề này ra thì liệu có hợp lý? “Mặc dù Đảng đã có nghị quyết về vấn đề này, nhưng cũng phải dựa trên thực tiễn để đánh giá”, bà cho hay.

Theo bà Quyết Tâm, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có vị trí rất quan trọng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND cũng có vị trí, vai trò quyết định những vấn đề quan trọng cho sự phát triển của địa phương, có chức năng giám sát, đưa pháp luật vào cuộc sống… Vì vậy, đi kèm theo đó, phải tổ chức ra HĐND các cấp như thế nào đó cho phù hợp, chứ không phải chỉ đưa ra mục tiêu giảm biên chế, rồi đi ngược lại với mục đích xây dựng luật cũng như quan điểm Chính phủ đưa ra.

Theo đại biểu đoàn TP HCM, hai nội dung quan trong lần sửa đổi lần này là cơ chế ủy quyền và vấn đề tổ chức bộ máy. Khi đặt ra vấn đề này, cần xem năng lực, bộ máy ở địa phương có thể làm gì? Phân định, phân công ra để làm tốt công việc, chứ không phải “tranh giành” lẫn nhau, cơ quan này làm việc này, cơ quan kia làm việc kia.

Liên quan đến số lượng đại biểu HĐND, cựu Chủ tịch HĐND TPHCM đồng ý trong chừng mực nào đó cần phải xem xét giảm số lượng ĐB cho hợp lý. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, không nên chỉ nhìn vào việc giảm một ĐB thì giảm bao nhiêu kinh phí?

“Đánh giá tác động như vậy là phiến diện. Mặc dù đồng tiền của dân, đóng thuế trong dân là rất quan trọng, song để nói giảm bao nhiêu tiền khi giảm số lượng ĐB thì có gì đó rất thiển cận, đau lòng. Tại sao lại đưa ra cái nhìn như vậy? Điều quan trọng là phải đánh giá xem có làm đúng vai trò của người đại diện cho dân hay không?

Với phó chủ tịch HĐND cũng vậy, phải đánh giá trên hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy đó để tính toán, chứ không phải vấn đề tiền, hay chỉ máy móc là vấn đề biên chế... Cần xem xét trên tinh thần khách quan. Đừng vì yếu tố nào đó mà chúng ta đánh mất di vai trò vị trí của cơ quan dân cử”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Theo ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), việc xem xét số lượng các ban, hay phó chủ tịch HĐND thì phải xem xét cho phù hợp với Hiến pháp hiện hành. Theo ông Vân, vấn đề số lượng ĐB, số lượng các ban và phó chủ tịch HĐND sẽ tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ, vì thế không nên quy định cứng nhắc trong luật, để sau này phải sửa luật.

Đề cập đến việc giảm số lượng cấp phó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, đi kèm với tinh giản biên chế, nhưng phải gắn với nâng cao chất lượng hoạt động. “Giảm số lượng có làm giảm chất lượng hoạt động của bộ máy không? Phải đánh giá cho được hiệu quả hoạt động thế nào, giảm có hiệu quả khi giảm số lượng không?”, ĐB Tám nêu.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.