Giám đốc công ty nông sản 'vỡ nợ' tại Gia Lai làm đơn xin vắng mặt

Người dân bao vây Công ty Hoàng Sang đòi nợ
Người dân bao vây Công ty Hoàng Sang đòi nợ
TPO - Liên quan đến vụ công ty nông sản ở Gia Lai “vỡ nợ” tại Gia Lai, chiều 27/3, Công an huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết vừa nhận được “Đơn xin phép vắng mặt tại nơi cư trú” của bà Thái Thị An – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Sang (thị trấn Ia Kha, Ia Grai).

Theo đó, kể từ khi bị người dân phát hiện “mất tích” vào sáng 12/3, đến nay bà Thái Thị An đã nhờ người thân gửi đơn xin vắng mặt ở nơi cư trú với lý do "nằm viện" đến Công an huyện Ia Grai.

Nội dung đơn có chữ ký của bà Thái Thị An viết: Công ty tôi gặp khó khăn dẫn đến thua lỗ, các hộ dân tìm đến để đòi lại số nông sản đã ký gửi, do công ty chưa có khả năng chi trả nên các hộ dân gây sức ép, trong đó có một số hộ dân có hành vi đe dọa sẽ xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của gia đình tôi. Do nhiều ngày chịu áp lực về tinh thần dẫn đến sức khỏe của tôi bị suy nhược nên phải điều trị tại bệnh viện. Vì vậy tôi viết đơn này xin các cơ quan chính quyền địa phương cho phép tôi vắng mặt tại nơi cư trú một thời gian. Đến khi tinh thần, sức khỏe của tôi ổn định trở lại, tôi sẽ có kế hoạch trả số nợ trên cho người dân.

Giám đốc công ty nông sản 'vỡ nợ' tại Gia Lai làm đơn xin vắng mặt ảnh 1Đơn xin vắng mặt tại nơi cư trú có chữ ký của bà Thái Thị An

Về nội dung đơn trên, một cán bộ điều tra của Công an huyện Ia Grai cho biết đơn thư ghi rằng chữa bệnh nhưng lại không ghi rõ là cụ thể ở đâu, bệnh viện nào. Hiện đơn vị đang xem xét. Đến thời điểm này số nợ ngân hàng và người dân của bà Thái Thị An thống kê là hơn 40 tỷ đồng.

Trước đó, báo Tiền Phong đã đưa tin: sáng 12/3, hàng trăm người dân bao vây trụ sở Công ty Hoàng Sang (khu phố 1, thị trấn Ia Kha, Ia Grai) để đòi nợ. Có người ký hơn hơn 200 tấn cà phê. Người dân đặt câu hỏi, nếu Công ty Hoàng Sang không phải lừa đảo thì phải ra đối thoại trực tiếp, trả lại một phần số tiền ký gửi nông sản giúp người dân có vốn sinh nhai. Cuộc đối thoại, chất vấn này cần có phía chính quyền chứng kiến, để biết rằng công ty có phải “cố tình” báo vỡ nợ hay không.

Tin liên quan