Giảm nhiều chính sách ưu đãi tại các đặc khu kinh tế

Giảm thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm
Giảm thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm
TPO - Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) chỉnh lý theo hướng, giảm thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm thay vì 99 năm như trước đây.

Ngày 4/4, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trong đó có một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai.

Liên quan đến thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị cân nhắc việc quy định thời hạn sử dụng đất tới 99 năm đối với một số loại dự án đầu tư. Từ đó, đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm và có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm). Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu đặc thù của mỗi đơn vị để quy định phù hợp về thời hạn sử dụng đất.

Về việc này, UBTVQH nhận thấy, việc quy định thời hạn sử dụng đất như trong dự thảo Luật nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đặc khu so với các khu kinh tế khác trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, liên quan chặt chẽ tới việc thực hiện nguyên tắc Hiến định là đất đai, tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân, do đó, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đánh giá, phân tích nhiều khía cạnh của chính sách này và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng:

Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm. Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề nghị của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn cụ thể phù hợp với nhu cầu thực sự của dự án đầu tư; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu giảm ưu đãi về thời gian miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước; ý kiến khác đề nghị không miễn, giảm trực tiếp tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Điều 45 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý chặt chẽ hơn, giảm mức ưu đãi, có tính đến điều kiện của từng đặc khu theo hướng: thu hẹp phạm vi các dự án được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả đời dự án; rút ngắn thời hạn được hưởng ưu đãi so với dự thảo Luật Chính phủ trình đối với các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu; quy định mức miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của các dự án đầu tư tại đặc khu Phú Quốc thấp hơn so với hai đặc khu còn lại nhằm phù hợp với hiện trạng sử dụng đất ở Phú Quốc.

Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc về quy định cho phép thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam vì có thể dẫn tới những vấn đề phức tạp trong quản lý đất đai, liên quan tới bảo đảm an ninh, chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là khi xảy ra tranh chấp và phải xử lý tài sản thế chấp.

Về việc này, UBTVQH nhận thấy, việc cho phép thế chấp tài sản gắn liền với đất (nhưng không bao gồm quyền sử dụng đất) tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam không làm ảnh hưởng tới quyền tài phán của Việt Nam đối với các tài sản này, bởi vì theo tập quán quốc tế, việc giải quyết tranh chấp liên quan tới bất động sản thuộc thẩm quyền của Tòa án quốc gia nơi có bất động sản.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đề nghị bổ sung quy định về điều kiện đối với người nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất khi xử lý tài sản thế chấp, cụ thể là: “Trường hợp xử lý tài sản thế chấp, bên nhận thế chấp chỉ được chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê tại đặc khu cho đối tượng đủ điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.