Hà Nội 'giải cứu' các điểm ngập nội đô

Hà Nội 'giải cứu' các điểm ngập nội đô
TP - Trước mùa mưa 2013, Hà Nội đang thi công quyết liệt để hoàn thành nâng cấp hàng loạt tuyến cống ngầm trong khu vực nội thành. Nếu về đích đúng hẹn, nhiều điểm úng ngập cục bộ tồn tại từ nhiều năm nay sẽ được xử lý dứt điểm.

> Mưa lớn, nhiều tuyến đường thành sông
> Hà Nội còn 21 điểm ngập úng

Ngay trong đợt mưa đầu tháng 4/2013, nhiều tuyến phố Hà Nội bị ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Không ít ô tô, xe máy bị ngâm trong nước, phải chờ xe cứu hộ đến kéo đi sửa.

Điển hình là đường Nguyễn Khuyến, cả tuyến đường bị nhấn chìm trong biển nước. Mọi ngõ ngách cũng bị úng ngập khiến nhiều nhà dân bị cô lập. Trên phố Tống Duy Tân, đường Điện Biên Phủ không thoát khỏi cảnh ngập úng, mặc dù nhân viên công ty thoát nước luôn trực sẵn ở đây để khai thông dòng chảy.

Trong khi đó, việc cải tạo cống ngầm trên tuyến phố nội đô như Lò Đúc, Đào Duy Anh..., kéo dài nhiều tháng nay làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy và đời sống của người dân.

“Chỉ cần trận mưa nhỏ, nước và bùn đã ngập ngụa khắp tuyến đường. Mỗi lần ô tô lao qua làm bắn tung tóe khắp cửa nhà dân. Nhà mặt đường nên tôi phải đóng cửa suốt ngày để tránh bụi, tránh bùn”, ông Bình nhà ở Lò Đúc phản ánh.

Cty Thoát nước Hà Nội dự báo: năm nay lượng mưa sẽ lớn hơn mức trung bình hàng năm và tập trung vào đầu mùa. Đặc biệt, công ty vẫn lo ngại nhất các điểm đen ở khu vực Tân Mai, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) do đây là vùng trũng và hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện.

Để giải thoát nước những điểm ngập úng, ngoài việc cải tạo các trục thoát nước, vào những ngày mưa, Cty Thoát nước sẽ tăng cường các máy bơm di động, cử nhân viên ứng trực ở các hố ga khơi thông dòng chảy.

Vừa qua Hà Nội đã xóa bỏ được 3 điểm đen thường xuyên ngập úng đó là ngã ba Ngô Thì Nhậm- Nguyễn Công Trứ, đường Thái Thịnh, phố Khâm Thiên.

Tuy nhiên, Hà Nội lại phát sinh 2 điểm mới trên đường Nguyễn Xiển và Phạm Văn Đồng. Trong mùa mưa năm ngoái (2012), dọc tuyến đường Nguyễn Xiển đến Phạm Văn Đồng thường xuyên bị ngập úng kéo dài. Nhiều hầm đường bộ xuyên qua tuyến đường này phải đóng cửa vì bị ngâm nước.

Đến nay, hệ thống thoát nước của tuyến đường Nguyễn Xiển đến Phạm Hùng vẫn chưa được bàn giao cho Cty Thoát nước nên chưa có đơn vị chuyên môn quản lý khắc phục những tồn tại trong năm qua.

Cty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, việc cải tạo hệ thống cống ngầm trên tuyến phố Lò Đúc cũng như hàng loạt các phố khác trong khu vực nội thành thuộc gói thầu số 9 của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II.

Trong khuôn khổ dự án, Hà Nội sẽ cải tạo cống ngầm tại 44 tuyến phố thuộc nội thành. Khảo sát trước đó cũng như thực tế thi công cho thấy, việc cải tạo hệ thống cống là bắt buộc bởi hầu hết đều đã xuống cấp nghiêm trọng sau gần 100 năm sử dụng.

Nhiều đoạn cống đã nứt, lún, sụt, cản trở dòng chảy, không thể tiêu thoát nước kịp khi xảy ra mưa lớn nên dễ gây ngập úng cục bộ. Hiện nay, các đơn vị thi công đang cùng lúc triển khai trên một số tuyến phố như Phó Đức Chính, Tạ Hiện, Lê Trọng Tấn, Lĩnh Nam và Lò Đúc.

Còn theo Ban Quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội hiện nay, đã hoàn thành cải tạo 15 tuyến cống trên các phố Lạc Trung, Trần Khát Chân, Hòa Mã, Ngô Thì Nhậm, Thái Thịnh, Chùa Vua, Thịnh Yên...

Do vậy, một số “điểm đen” úng ngập ở nội thành từ nhiều năm nay trên phố Thái Thịnh, Lê Trọng Tấn... sẽ được khắc phục.

“Trong danh mục 44 tuyến phố cần cải tạo cống ngầm, còn 16 tuyến trong khu phố cổ. Đây đều là các tuyến phố ngắn nên thời gian thi công chỉ cần khoảng 10 ngày”, lãnh đạo Ban Quản lý thoát nước cho biết.

Theo tính toán của Cty Thoát nước Hà Nội, nếu mưa trên 100 mm/h, địa bàn thành phố sẽ có 20 điểm đen bị ngập úng gồm các điểm giao cắt Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Tôn Đản - Lê Lai, Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, Điện Biên - Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Thái Hà - Tây Sơn, Bà Triệu - Nguyễn Du, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; các phố Lê Duẩn (trước cửa ga Hà Nội), Đội Cấn, Trương Định (ngõ 521 đến cầu Sét), Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Giải Phónag, Nguyễn Khuyến, Quán Thánh, Ngọc Khánh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Xiển, Phạm Văn Đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG