Hà Nội sớm trình đề án chính quyền đô thị năm 2018

Hà Nội sớm xây dựng đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị trình cấp có thẩm quyền vào năm 2018.
Hà Nội sớm xây dựng đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị trình cấp có thẩm quyền vào năm 2018.
TP - Tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội ngày 4/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị khẩn trương xây dựng đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018.

“Nói đi đôi với làm”

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị, năm 2018 cần thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII, thực hiện Kết luận 22 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2011 – 2020.

“Thành phố phải khẩn trương xây dựng đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018”, ông Hải nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị chú trọng việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ tại các cơ quan, đơn vị. Theo đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là người đứng đầu.

“Cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc dân sinh ngay từ cơ sở”, ông Hải lưu ý.

Cho ý kiến về việc này, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) đề nghị quan tâm đến nhiệm vụ và giải pháp về việc triển khai xây dựng đề án mô hình chính quyền đô thị, để tổ chức quản lý theo mô hình đô thị khu vực nội thành. Bên cạnh đó, gắn với việc quản lý theo mô hình chính quyền đô thị cần đẩy mạnh việc triển khai phương thức quản lý, phát triển vận hành đô thị theo phương thức đô thị thông minh.

“Trong thời gian qua thành phố đã tập trung để có những lĩnh vực thực hiện quản lý theo phương thức thông minh như giao thông thông minh, quản lý cơ sở hạ tầng thông minh trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đề nghị thành phố nên xây dựng đề án và thí điểm áp dụng quản lý thông minh trên địa bàn khu vực, áp dụng với một hoặc một số quận nội thành theo phương thức đô thị thông minh”, ông Bình nói.

Khuyến khích “nghỉ tự nguyện” để tinh giản biên chế

Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội gửi HĐND thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp 70 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 Ban quản lý dự án (giảm 41,4%). Sáp nhập 4 Ban bồi thường giải phóng mặt bằng 4 quận trung tâm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng vào Ban quản lý dự án quận. Đồng thời thực hiện sáp nhập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Chi nhánh phát triển quỹ đất thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp huyện quản lý…

Hiện Hà Nội còn hai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy đang triển khai: Việc chuyển đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã về UBND cấp huyện quản lý và đổi tên thành Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị; tổ chức lại bộ phận thường trực Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố thành văn phòng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng.

Thực hiện các giải pháp, Hà Nội đã tinh giản được 1.267 biên chế, gồm 282 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Thành phố cũng đã giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định 108. Ngoài ra, để đẩy mạnh tinh giản biên chế làm cơ sở cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, UBND thành phố đã hoàn thành xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích đối tượng “nghỉ tự nguyện” tinh giản biên chế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của thành phố năm 2018, UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố xem xét về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của thành phố năm 2018 có 10.661 biên chế hành chính, trong đó, biên chế công chức 8.891 biên chế (giảm 225 biên chế). Thành phố cho biết, sẽ điều chỉnh một số biên chế của các cơ quan, đơn vị do chuyển chức năng, nhiệm vụ và thực hiện theo đề án vị trí việc làm. Dạng lao động hợp đồng là 1.358 chỉ tiêu, giảm 11 chỉ tiêu lái xe tại 8 cơ quan được giao thí điểm khoán xe công.

Với biên chế sự nghiệp, Thành phố đề nghị xem xét 148.822 biên chế, trong đó, biên chế viên chức là 127.933. Theo phương án đề ra, thành phố sẽ tăng 1.816 biên chế cho lĩnh vực giáo dục, y tế; giảm 108 biên chế theo tỷ lệ giảm 2% đơn vị sự nghiệp khác; giảm 137 biên chế do sắp xếp tổ chức bộ máy; giảm 8.761 biên chế do chuyển đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên. Trong biên chế sự nghiệp, lao động hợp đồng là 11.568 chỉ tiêu, giảm 1.137 chỉ tiêu do chuyển chỉ tiêu theo các đơn vị tự chủ và giảm do sắp xếp.

MỚI - NÓNG