Hà Nội: 'Tắc' giải pháp chống ùn tắc

Hà Nội: 'Tắc' giải pháp chống ùn tắc
TP - Trong nhiều năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã mạnh tay chi cho công tác chống ùn tắc, đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc và gia tăng phương tiện vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, thậm chí ùn tắc tại nhiều khu vực còn diễn biến phức tạp hơn. Dư luận đang đặt câu hỏi: phải chăng công tác chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang bế tắc?

Từ nhà tại KĐT Linh Đàm, Hoàng Mai đến cơ quan chỉ 6 km, nhưng hàng ngày tôi và nhiều người tham gia giao thông thường phải đi hết cả tiếng đồng hồ. Tương tự, với quãng đường cũng chỉ từ 3 đến 5 km nhưng nhiều người dân đi lại vào giờ cao điểm sáng, chiều trên các tuyến đường như Láng Hạ - Lê Văn Lương, Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến… thường phải tiêu tốn hàng giờ trên đường.

Lưu lượng phương tiện đông và đường bị thắt nút cổ chai là nguyên nhân chính. Cách đây 3 năm tình hình ùn tắc trên cung đường này không trầm trọng như hiện nay. Nhưng từ khi KĐT Linh Đàm có thêm các tòa chung cư trên 40 tầng, giao thông trên đường Lê Đức Thọ hướng ra Giải Phóng thường khó khăn gấp bội. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong nhiệm kỳ giai đoạn 2011 - 2015 Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành phố Hà Nội chi trên 250.000 tỷ đồng để đảm bảo giao thông và hoàn thiện hạ tầng khung; tiếp đến giai đoạn 2015 - 2020, UBND thành phố Hà Nội cũng trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua số chi ngân sách trên 2.170 tỷ để thực hiện chương trình mục tiêu giảm ùn tắc. Vậy đến nay, bức tranh giao thông Hà Nội thế nào?

Về các điểm ùn tắc, trong giai đoạn 2016 - 2017 số điểm đã giảm còn khoảng 30 điểm, tuy nhiên hiện nay đã tăng thêm 13 điểm. Phải chăng các giải pháp chống ùn tắc, đảm bảo giao thông của Hà Nội không còn phát huy hiệu quả, thậm chí rơi vào bế tắc?

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, từ thực tế ùn tắc hiện nay, vấn đề trên đang tồn tại trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử, với lĩnh vực hạ tầng, mặc dù đã chi hàng trăm nghìn tỷ đồng trong vài năm qua nhưng quỹ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay mới được từ 7 đến 8% đất đô thị (yêu cầu là 20 đến 25%). Từ chỉ số này, không cần người có chuyên môn cũng thấy được sự đầu tư, quản lý không hiệu quả của các cơ quan có liên quan. 

Đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, để Đề án giảm ùn tắc tại Hà Nội có hiệu quả, lâu dài, cơ quan quản lý phải bắt trúng “bệnh”. Khi được đề nghị nêu nguyên nhân ùn tắc tại Hà Nội hiện nay, đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, không có gì khó, đó là dân cư tập trung quá đông trong nội thành.

Để giải quyết được ùn tắc, Hà Nội phải thực hiện ngay việc giãn dân cư ra khu vực ngoại ô, giảm nhà cao tầng theo đúng chủ trương, quy hoạch của Chính phủ. Còn với tỷ lệ dân như hiện nay, thành phố Hà Nội có thực hiện bất kỳ giải pháp, xây dựng công trình giao thông tiền tỷ nào trong nội thành thì nó cũng trở nên lạc hậu, mất giá trị chỉ sau một thời gian sử dụng. Và như vậy giải pháp chống ùn tắc sẽ tiếp tục bế tắc.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.