Hà Nội tính đặt bệnh viện dã chiến chống dịch corona cấp độ 4 ở đâu?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Trường hợp dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên địa bàn đạt cấp độ 4 - lan rộng trong cộng đồng với 1.000 người bị lây nhiễm, Hà Nội sẽ tổ chức bệnh viện truyền nhiễm dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.

Mới đây, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã có buổi thị sát tại trường Đại học Thành Đô (Hoài Đức, Hà Nội) để khi có tình huống sẽ triển khai và tổ chức hoạt động của bệnh viện dã chiến.

Khảo sát tại trường Đại học Thành Đô (Hoài Đức, Hà Nội), trường có diện tích 97.528.000 m2 gồm 4 khu, trong đó có 2 tòa 7 tầng (mỗi tầng có 9 phòng). Đồng thời, trường có khu vực nấu ăn cho 400 người/bữa, cơ sở vật chất khang trang, có khu kí túc xá phù hợp để thành lập bệnh viện dã chiến.

Khi bệnh dịch nCoV trên địa bàn Hà Nội ở cấp độ 4 - lan rộng trong cộng đồng với 1.000 người bị lây nhiễm (cấp độ cao nhất theo kế hoạch phòng, chống dịch nCoV của Hà Nội), sẽ tổ chức bệnh viện truyền nhiễm dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.

Hà Nội tính đặt bệnh viện dã chiến chống dịch corona cấp độ 4 ở đâu? ảnh 1 Sở Y tế khảo sát khuôn viên trường. Khi cấp độ 4 phòng dich, Sở Y tế Hà Nội sẽ là đầu mối chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn Thành phố hỗ trợ khi cần thiết.

Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn nhân lực, cán bộ y tế, phương tiện, trang thiết bị y tế cho các hoạt động khám chữa bệnh. Cùng với đó, kiểm tra giám sát các hoạt động chuyên môn đảm bảo đúng quy trình theo quy định của Bộ Y tế. Sở cũng là đầu mối chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn Thành phố hỗ trợ khi cần thiết.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV. 29 trường hợp nghi nhiễm nCoV đang được giám sát tại bệnh viện, trong đó có 27 trường hợp đã có xét nghiệm âm tính, 2 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.

Thành phố cũng tổ chức giám sát với 104 trường hợp tiếp xúc gần (người nhà của những trường hợp nghi có bệnh), trong đó 93 trường hợp đã kết thúc, 11 trường hợp vẫn đang tiếp tục giám sát. Hiện tình trạng sức khỏe của tất cả người tiếp xúc gần đều ổn định, chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Tuy nhiên, trong thời gian tới có thể sẽ có hai tình huống tiếp theo với bệnh dịch này. Đó là tình huống tiếp tục xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Thành phố, tình huống còn lại là khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Với nguy cơ này, Thành phố sẽ phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng, hạn chế tử vong.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng phương án triển khai khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh này bùng phát.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo phòng Quân y các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc và điều trị bệnh nhân; sẵn sàng chi viện cho ngành y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế…

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng, Chỉ thị và kế hoạch của UBND thành phố về việc phòng, chống dịch bệnh.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Y tế thường xuyên, chủ động cập nhật, nắm bắt tình hình, diễn biến, chiều hướng phát triển của dịch, kịp thời tham mưu UBND thành phố các giải pháp tăng cường hoạt động phòng chống dịch; rà soát, báo cáo thành phố đảm bảo trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh, triển khai đề xuất, mua sắm, dự toán kinh phí và thực hiện mua sắm ngay những thiết bị vật tư cần thiết đợt 1 trước 5/2 báo cáo UBND thành phố...

MỚI - NÓNG