Nắng nóng kỷ lục từ đầu mùa

Hà Nội: Vật lộn mưu sinh trong chảo lửa

Công nhân điện lực Hà Nội làm việc dưới nắng nóng ngoài trời lên tới 50 độ C (ảnh lớn). Công nhân công ty vệ sinh môi trường uống nước trong nắng đổ lửa trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội (ảnh nhỏ). Ảnh: Hiểu Minh- Như Ý.
Công nhân điện lực Hà Nội làm việc dưới nắng nóng ngoài trời lên tới 50 độ C (ảnh lớn). Công nhân công ty vệ sinh môi trường uống nước trong nắng đổ lửa trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội (ảnh nhỏ). Ảnh: Hiểu Minh- Như Ý.
TP - Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời nhiều thời điểm vượt 50 độ C gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, làm việc của người dân.

Nhà nghỉ, nhà trọ tăng giá theo nhiệt độ

Trên nhiều tuyến phố chính ở Hà Nội, hôm qua, lượng người tham gia giao thông giảm hẳn do nắng nóng. Những tuyến phố trung tâm khu vực ven hồ Gươm vốn đông đúc người buôn bán và khách du lịch cũng trở nên thưa vắng. Hàng quán đồng loạt phủ bạt che kín mặt tiền, yên ắng dưới nắng trưa, nóng hầm hập phả lên từ mặt đường nhựa rát mặt.

Mệt mỏi nhất vẫn là những người làm nghề lao động ngoài trời, giữa cái nóng oi ả ai ai cũng tỏ ra vô cùng bức bối. Nhiều địa điểm như công viên cây xanh trở thành nơi tránh nắng lý tưởng cho người dân. Vào giờ trưa, nhiều người lao động chọn chỗ ngả lưng nghỉ ngơi dưới tán cây, gần các hồ lớn.

Khu vực xung quanh các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Việt Đức, Quân y 108… hầu hết các phòng trọ đều kín phòng, có nơi giá tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường. Tại phòng trọ H.B trên phố Phủ Doãn (đối diện Bệnh viện Việt Đức), một căn phòng ghép, có giường đôi, điều hòa, vệ sinh chung có giá khoảng 130 ngàn đồng/ngày đêm. Có những phòng trọ ở phố Quán Sứ, không điều hòa giá lên đến 60 - 70 ngàn đồng/giường/ngày đêm.

Anh Đỗ Trung Quân (quận Hai Bà Trưng) cho biết, tối qua anh đưa vợ vào khoa Đẻ (Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Sau hơn 1 ngày ra vào trông nom vợ, vợ chưa đẻ mà anh đã bị choáng vì kiệt sức. “Mỗi trưa ra vào giữa trời nắng cả chục lần nên tôi bị cảm nắng. Khu vực hành lang cho người nhà không có điều hòa khiến cho nhiều người bị kiệt sức”, anh Quân nói.

Lượng điện tiêu thụ tăng kỷ lục

Nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến tại các gia đình, chủ yếu do sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát tăng cao. Anh Nguyễn Văn Thanh (quận Cầu Giấy) cho biết, nhà có hai con nhỏ nên hai điều hòa trong nhà anh bật gần như 24/24 những ngày Hà Nội nắng nóng trên 39 độ C. Dù biết sẽ phải trả tiền điện nhiều nhưng không có cách nào hơn. Nhà anh chật chội, nhiều đồ nên nhiệt độ trong phòng luôn cao. Chỉ cần ngừng bật điều hòa là các con nhỏ ướt sũng mồ hôi.

Theo báo cáo từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hà Nội, trong 3 ngày nắng nóng kỷ lục từ 30/6 - 2/7, sản lượng điện và công suất tiêu thụ đã đạt những kỷ lục mới. Cụ thể, ngày 2/7 sản lượng điện đạt: 79,305,000 kWh, công suất đỉnh: 3.987MW lúc 14h, tăng 117% so với tháng trước liền kề. Đây là mức sản lượng và công suất cao nhất trong năm 2018, cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổng Cty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, do đợt nắng nóng dự báo sẽ kéo dài đến ngày 7/7, ngành điện đã tăng cường lực lượng ứng trực đảm bảo cung ứng điện thông suốt. Dừng mọi lịch cắt điện để sửa chữa và cải tạo lưới điện khi nhiệt độ cao hơn 36 độ C. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ, hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, EVN HANOI khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào giờ cao điểm từ 11h00 - 14h00 và từ 18h00 - 23h00 hàng ngày. Đặc biệt khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên.

Chen chân ở bệnh viện ngày nóng như đổ lửa

Lúc 12h30 ngày 3/7, Bệnh viện Bạch Mai, hành lang, sảnh chờ khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu la liệt người đứng, ngồi, nằm chen kín lối đi. Sở dĩ ở đây tập trung đông người vì có máy điều hoà và hàng chục chiếc quạt hơi nước công suất lớn mới được
trang bị.

Tuy nhiên, do lượng người tìm đến những điểm có điều hoà, quạt hơi nước quá đông nên vẫn quá tải, nhiều người phải di chuyển, tìm nơi thoáng mát hơn. Anh Nguyễn Văn Thuận (phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) cho biết, anh đến khám viêm đường tiết niệu từ sáng sớm (khám theo yêu cầu), nhưng cũng phải đợi đến cuối giờ chiều mới có kết quả.

Phía ngoài các toà nhà khám chữa bệnh, nhiều người nhà bệnh nhân mướt mát mồ hôi, chen nhau ngồi, quạt phành phạch dưới gốc cây giữa tiết trời nóng hơn 40 độ C.

Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Anh Nguyễn Văn Hưng (trú tại TP Hải Dương) cho kể: “Bố tôi có tiền sử bệnh tiểu đường, bình thường vẫn điều trị tại bệnh viện tỉnh nhưng hôm qua nắng nóng quá ông bị ngất phải đưa lên đây cấp cứu, đến giờ vẫn chưa tỉnh. May mắn ở đây cơ sở vật chất tốt, bố tôi được nằm trong điều hoà. Còn tôi lang thang, ngày vào nhà thuốc bệnh viện “ké” điều hoà, tối ngả lưng ở hành lang, cầu thang bệnh viện” - anh Hưng chia sẻ.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng rơi vào tình trạng quá tải ngày nắng nóng. Bệnh nhân từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến những tỉnh như Lào Cai, Yên Bái... vật vã tụ về đây, trên tay bế những đứa trẻ thỉnh thoảng lại khóc ré lên càng làm cho không khí thêm ngột ngạt. Trong đó, nhiều đứa trẻ tới đây “ngã” bệnh vì nắng nóng.

Hà Nội: Vật lộn mưu sinh trong chảo lửa ảnh 1 Bệnh nhân quây kín quanh khu vực có điều hòa, quạt máy ở BV Bạch Mai. Ảnh: Ðức Anh.

Chị Lan (đến từ Yên Bái) kể: Mấy ngày nắng nóng, lo con ốm, hai mẹ con ôm nhau nằm liên tục trong điều hòa thế mà cháu vẫn lên cơn sốt. Đến bệnh viện, bác sỹ nói nhiệt độ chênh lệch giữa phòng lạnh và ngoài trời quá lớn dẫn đến viêm phổi. “Hai vợ chồng lục đục đưa con từ hôm qua để sáng nay có mặt ở đây thăm khám” - chị Lan nói. Con bị viêm phổi nên chị Lan không dám cho con ở khu vực có điều hoà mà phải đưa con nằm tạm dưới ghế đá.

Phía ngoài, khắp khuôn viên Bệnh viện Nhi Trung ương, đâu cũng thấy người tìm phương pháp chống nóng, người tay quạt, tay kè kè chai nước mát. Nhiều người mệt mỏi vì đường xa, ngả lưng trên ghế giữa trời nóng mà thiếp đi.

Sinh viên trắng đêm ngồi quán game tránh nóng

“Nghe dự báo thời tiết có đợt nắng nóng là cả xóm trọ nhao nhác lo sợ. Cả xóm 8 phòng trọ đều lợp ngói xi măng thấp bé, vào đợt nắng nóng như cái lò. 2 hôm nay mình hầu như thức trắng không ngủ được vì nóng”, Trần Huy Hoàng (SN 1999, sinh viên ĐH KHXH và NV Hà Nội), chia sẻ. 

Hoàng ở Hà Nội học tập được gần 1 năm nay. Đây là năm đầu tiên cậu biết đến cái nóng của mùa hè Thủ đô. Với diện tích căn phòng chưa đầy 12 m2 (thuê với giá 1 triệu đồng/tháng) vừa là phòng ngủ, vừa là bếp. Thế nên mùa hè đến, phòng chẳng khác nào cái lò nung khi có thêm ngọn lửa từ bếp ga. “Nóng quá, 2 đứa định xin nhà mua cái quạt hơi nước nhưng nghĩ gia đình nghèo, mình đi học đã tốn kém, rồi tiền đâu mà trả tiền điện nên thôi”, Hoàng nói.

Nói về nắng nóng, Trần Tuấn, bạn cùng phòng Hoàng hài hước bảo: “Nóng cũng có cái hay là làm xóm trọ đoàn kết lắm. Trước, ngày đi học tối về việc ai người đó làm. Nay cứ tối cả xóm lại rủ nhau ra hồ Văn Quán ngồi uống nước, chém gió cùng nhau tới đêm. Bởi nóng quá không ai ngủ được trong cái phòng như lò này”.

Bên cạnh phòng Hoàng, chị Liên (quê Hà Nam) đang cố dỗ đứa con trai 2 tuổi nín khóc. “Thường ngày con cũng ngoan, nhưng giờ nóng quá không ăn được, không ngủ được nên nó khóc. 2 ngày nắng nóng, con ốm không đến lớp vợ chồng phải thay nhau nghỉ làm trông. Con ốm tiền thuốc thang, tiền lương vợ chồng bị trừ vì xin nghỉ chăm con ốm. Khổ đủ đường, hai vợ chồng đang tích góp tiền để sắm cái điều hoà, mình khổ quen rồi nhưng con đêm khóc quấy thương lắm”, chị Liên nói.

Gần chợ Phùng Khoang, đầy rẫy những khu nhà trọ sinh viên cấp 4 lụp xụp lợp ngói xi măng. Trưa đến, những khu trọ vắng tanh, những sinh viên ngồi vạ vật ở những quán nước, hồ nước. Ngồi uống nước mía cạnh hồ Phùng Khoang cùng 3 người bạn cùng phòng, Hữu Công (sinh viên năm 2, Trường ĐH KHTN) cho biết: Tối đến cả phòng vào các trung tâm thương mại lượn lờ. Khi trung tâm thương mại đóng cửa thì mang chiếu ra hồ Văn Quán (Hà Đông) ngồi tận đêm. “Tối qua bọn em ngồi hóng gió đến 4h sáng về mà vẫn còn nóng không ngủ được”.

Nắng nóng, đêm không thể học tập, ngủ trong những khu nhà trọ cấp 4 nhiều sinh viên có nhiều cách tránh nóng đặc biệt. Hằng (sinh viên Ðại học Công Ðoàn) và 4 cô bạn cùng phòng góp tiền thuê nhà nghỉ cạnh khu trọ ở nhà nghỉ trong ngày nắng nóng kỷ lục. “Hôm qua, nóng quá nằm đến  2h sáng không ngủ được. Mồ hôi vã ra như tắm, 4 đứa mình buộc bụng góp mỗi người 50 nghìn ngủ nhà nghỉ. Ðêm qua ngủ ngon rồi, còn đêm nay chắc lại ngồi vật vờ ở ghế đá trước trường”, Hằng chia sẻ.

Vì sao nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội hơn 50 độ?

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, khu vực đô thị bao giờ cũng có nền nhiệt cao hơn khu vực nông thôn do hiện tượng đảo nhiệt.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hà Nội tiếp tục xảy ra nắng nóng diện rộng với nền nhiệt phổ biến từ 38-40 độ. Tuy nhiên, nhiều người dân do được nhiệt độ ngoài trời lên tới 48-50 độ, thậm chí có những nơi đo được gần 60 độ. Lý giải về sự khác nhau này, ông Lê Thanh Hải cho biết, nhiệt độ dự báo là nhiệt độ được đo trong lều khí tượng với số liệu, thiết bị đo, điều kiện đo theo quy chuẩn của Tổ chức Khí tượng Thế giới. Trong khi nhiệt độ ngoài trời có thể cao hơn từ 5-7 độ, nhất là khu vực đô thị do chịu tác động của hiện tượng đảo nhiệt. Đây là hiện tượng chênh lệch nhiệt độ trong cùng một thời gian khi trung tâm các thành phố lớn thường nóng hơn những khu vực ngoại ô xung quanh.

Theo ông Hải, có thể tưởng tượng trung tâm các thành phố giống như các ốc đảo nhiệt, nền nhiệt cao hơn hẳn vùng ngoại ô xung quanh. Nguyên nhân của hiện tượng đảo nhiệt là do tác động của công trình xây dựng, nhựa đường, bê tông- những vật liệu có khả năng giữ nhiệt và tỏa nhiệt nhanh làm cho không khí xung quanh nóng lên. Ngoài ra, mật độ cây xanh, diện tích mặt nước thấp cộng với  tác động của các phương tiện giao thông, khí thải cũng làm cho nền nhiệt ở đô thị nóng hơn. Vì vậy, có những nơi như bề mặt đường, quảng trường…nhiệt độ đo được có thể lên tới 50-60 độ trong những ngày nắng nóng như thế này.

NGUYỄN HOÀI

MỚI - NÓNG