Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương
TPO - Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD được thiết kế, xây dựng đảm bảo nguyên tắc hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí.

Hai hệ thống đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính, đổi mới công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân.

Thông tin trên được Bộ Công an cho biết tại Lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD), diễn ra chiều 25/2.

Chiến dịch thần tốc, chưa có tiền lệ

Theo Bộ Công an, thực hiện Luật Căn cước công dân, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 896), lực lượng Công an được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ “chưa có tiền lệ” từ trước đến nay đó là hệ thống CSDLQG về DC và CCCD.

Để đạt được những kết quả quan trọng của hai “chiến dịch” xây dựng CSDLQG về DC và CCCD chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Công an đã xây dựng, triển khai 17 nhóm nhiệm vụ với hơn 100 đầu công việc cụ thể. Trong đó, Bộ Công an đã đã thành lập gần 100 đoàn công tác với hơn 200 lượt và gần 6.000 đoàn của công an các địa phương kiểm tra, phúc tra đến tận cơ sở, bảo đảm chính xác thông tin đã thu thập. Từ đó, nắm tình hình cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai 2 dự án, kịp thời thống nhất đưa ra những giải pháp hiệu quả cho từng địa phương.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, hai hệ thống CSDLQG về DC và CCCD có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án, Bộ Công an đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của toàn lực lượng. Riêng Bộ công an đã thành lập ban chỉ đạo do đồng chí Bộ trưởng Công an làm Trưởng ban. Ưu tiên cao nhất các nguồn lực, kinh phí phương tiện với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để hoàn thành hai dự án đúng tiến độ đề ra. Các nhiệm vụ của dự án được xác định cụ thể với mốc thời gian hoàn thành tính theo từng ngày. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công an T.Ư và địa phương đã được huy động tham gia, không quản ngày đêm đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn của hai dự án.

“Quá trình thực hiện hai dự án, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, đơn vị để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng hoàn thiện hai hệ thống. Bảo đảm đúng nguyên tắc hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí. Được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của lượng lượng Công an nhân dân, tinh thần trách nhiệm của các nhà thầu, chỉ trong thời gian ngắn, đến nay việc xây dựng hai dự án đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng…”- Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 

Tiết kiệm khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm trong dịch vụ công

Vẫn theo Bộ Công an, việc thiết kế chi tiết của 2 hệ thống đã được phê duyệt với nguyên tắc chung là bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí. Sau một thời gian triển khai, đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”.

Bộ Công an cũng khẳng định: từ dữ liệu dân cư đã thu thập nên người dân không phải mang bất kỳ loại giấy tờ (cắt giảm chi phí in tài liệu cho dân); Cán bộ thu nhận không phải đánh máy nhập liệu (tiết kiệm thời gian cho cán bộ thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân).

Đối với Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD, để phục vụ triển khai việc cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chíp, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 06 ngày 23/01/2021 quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân.

Thẻ Căn cước công dân có nhiều điểm mới so với thẻ Căn cước cũ, trong đó đáng lưu ý là việc bổ sung chíp điện tử, mã QR Code phục vụ tích hợp các thông tin liên quan, đồng thời thay thế việc lấy vân tay phẳng bằng vân tay lăn. 

Từ đầu năm 2021, thực hiện thu thập được gần 600.000 hồ sơ cấp CCCD và tiến hành sản xuất, in thẻ CCCD có gắn chip điện tử cho người dân trên toàn quốc.

"Qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ/năm. Đặc biệt hơn nữa, khi 2 hệ thống chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”- Bộ Công an nhấn mạnh.

Nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Bộ Công an trong quá trình thực hiện hai dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “sự quyết tâm, ưu tiên hàng đầu trong xây dựng hai hệ thống trọng điểm này nhanh mà vẫn bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, Bộ Công an đã triển khai song song, lồng ghép hai dự án, qua đó tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng ngay trong quá trình xây dựng dự án” .

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá với những dữ liệu đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ của hơn 90 triệu dân (92% dân số), các hệ thống này đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, các tỉnh và sẵn sàng đi vào hoạt động là nền tảng quan trọng để dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, cũng như đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có Tập đoàn VNPT đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào các dự án.

Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hệ thống CSDLQG về DC và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD, bảo đảm dữ liệu công dân chính xác và thường xuyên được bổ sung, cập nhật. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Quý II năm 2021.

Theo ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước, là cơ sở dữ liệu quan trọng nhất và là nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Triển khai hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một bài toán hết sức phức tạp với quy mô lớn và phạm vi rộng. Hệ thống quản lý dữ liệu của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến TW với lượng người truy nhập vào hệ thống là hơn 40.000.

VNPT vinh dự được chọn là đơn vị nhà thầu chính phối hợp với GTEL-ICT, Hadicđể chủ trì, thiết kế và triển khai hệ thống một cách bài bản, thận trọng nhất với những công nghệ tốt nhất và đảm bảo là hệ thống được tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ.

Ông Long cho biết, với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, VNPT đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất Tập đoàn và 63 tỉnh/thành phố cùng các đối tác trong Liên danh quyết liệt triển khai dự án với tiến độ thần tốc và hiệu quả nhất. Trong vòng 5 tháng từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, VNPT đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ chiến sĩ công an sử dụng hệ thống.

“Có thể khẳng định, đến nay mọi công tác chuẩn bị về hạ tầng và công nghệ, kỹ thuật để đưa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành đã sẵn sàng.Việc được phối hợp, đồng hành cùng Bộ Công an trong việc xây dựng, triển khai dự án này là niềm vinh dự, tự hào của Liên danh nhà thầu nói chung và bản thân Tập đoàn VNPT nói riêng”, ông Long nói.

Nguyễn Hoài 
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.