73 năm ngày thương binh liệt sĩ: Tháng Bảy, ngày về…

Hoa dâng mộ liệt sĩ

Các bạn đoàn viên, thanh niên nâng niu những đóa hoa trước khi dâng lên mộ liệt sĩ. Ảnh: THANH LỘC
Các bạn đoàn viên, thanh niên nâng niu những đóa hoa trước khi dâng lên mộ liệt sĩ. Ảnh: THANH LỘC
TP - Sáu năm nay, trên mộ phần các anh hùng liệt sĩ tại 2 Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và 70 nghĩa trang ở các địa phương của tỉnh Quảng Trị luôn luôn có những bình hoa tươi. Ấy là thành quả của chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” do tỉnh phát động, trong đó có sự tham gia đắc lực của lớp trẻ.

CÔNG TRÌNH TUỔI TRẺ TIÊU BIỂU

Nhà báo Trần Đăng Mậu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị bảo, “Hoa dâng mộ liệt sĩ” ra mắt vào cuối năm 2014. Thực ra ban đầu là ý tưởng của Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Trị với mục đích tri ân. Thế nhưng càng về sau, sức lan tỏa của chương trình càng lớn nên từ năm 2015, tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi sự ủng hộ tất cả ban ngành liên quan cùng tham gia. Và tuổi trẻ Quảng Trị-lực lượng tiên phong trong phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đã tích cực hưởng ứng vào cuộc.

Hoa dâng mộ liệt sĩ ảnh 1 Dâng hoa mộ liệt sĩ, thắp nến ở Nghĩa trang LSQG Trường Sơn. Ảnh: hữu thành

Chị Trần Thị Thu-Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Quảng Trị kể, ngay từ những ngày đầu thực hiện, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh đã “đi trước một bước” làm tốt công tác tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên hưởng ứng cuộc vận động thông qua các hoạt động như sinh hoạt chi đoàn, chi đội, chi hội, các buổi sinh hoạt dưới cờ... và trên các phương tiện truyền thông nhằm tuyên truyền cho tuổi trẻ và quần chúng về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, cũng như kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ, chung sức của toàn xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa.

Chị Thu cho biết, Quảng Trị có 2 nghĩa trang lớn là Nghĩa trang LSQG Trường Sơn và Đường 9 cùng 70 nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương, với hơn 61.500 mộ liệt sĩ. Chung tay chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị có sức lan tỏa sâu rộng và lôi cuốn mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Với chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, tỉnh đứng ra cùng với các ban ngành mỗi năm kêu gọi, vận động được hàng tỷ đồng để mua bình hoa và hoa. Phần việc còn lại là của đoàn viên thanh niên.

“Lúc được phân công công việc cho từng đơn vị cụ thể, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã đảm nhận phần việc gắn bình hoa tại 72 nghĩa trang liệt sĩ với sự tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công của đoàn viên, thanh niên. Có 2 dịp cao điểm của chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” là vào những ngày tháng Bảy tri ân và dịp giáp Tết Nguyên đán. Những ngày đó, lúc đặt chân lên các nghĩa trang của tỉnh Quảng Trị, anh sẽ thấy ngợp bóng áo xanh tình nguyện giữa những hàng mộ chí. “Hoa dâng mộ liệt sĩ” được Trung ương Đoàn đánh giá là công trình tuổi trẻ tiêu biểu toàn quốc”, chị Thu nói.

Số liệu từ Tỉnh Đoàn Quảng Trị cho thấy, tại 2 Nghĩa trang LSQG Trường Sơn và Đường 9, bình quân  mỗi dịp tháng Bảy hay Tết Nguyên đán như vậy có hơn 5.000 đoàn viên, thanh niên từ các đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang... tham gia việc làm vệ sinh, thay cát lư hương và thay hoa cho các phần mộ. Sau khi hoàn thành, các nghĩa trang như được thay áo mới, với những sắc màu rực rỡ tri ân nhờ hàng chục ngàn đóa hoa.

CHƯƠNG TRÌNH TRI ÂN ĐẶC BIỆT

Đại úy Hoàng Xuân Biên-Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị bảo, “Hoa dâng mộ liệt sĩ” là một chương trình tri ân các liệt sĩ có ý nghĩa đặc biệt. Ở một mảnh đất linh thiêng như Quảng Trị, công cuộc tri ân diễn ra từ gần 40 năm nay. Những nghĩa trang liệt sĩ nay đã khang trang hơn, những đài tưởng niệm được xây dựng uy nghi hơn, những đêm thiêng, những ngày lễ trọng mộ liệt sĩ được thắp sáng nến và hoa... Tất cả những điều đó không chỉ nói lên lòng biết ơn mà còn nhắc nhở chúng ta về cái giá của mỗi ngày bình yên đang sống.

Đại úy Biên bày tỏ: “Ở một vùng đất như Quảng Trị, lúc Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình là hai tỉnh bạn láng giềng đang thừa hưởng những di sản thế giới về thiên nhiên và văn hóa, thì Quảng Trị gần như rất khó cạnh tranh về loại hình du lịch truyền thống. Thế nhưng mảnh đất này, nơi có mùa hè đỏ lửa, có thành cổ Quảng Trị bi hùng, 72 nghĩa trang thờ tự những anh hùng liệt sĩ, sẽ là một miền tưởng vọng với du lịch tâm linh và hoài niệm. Trên đất nước này có rất nhiều người, hằng năm, nếu không về dâng hương trên những nấm mồ liệt sĩ ở Quảng Trị là họ không thể an lòng”. 

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Quảng Trị Đỗ Văn Bình chia sẻ, với chương trình vận động “Hoa dâng mộ liệt sĩ” đang diễn ra, chúng tôi nghĩ nên mở rộng và có sự liên kết với ngành du lịch của hai tỉnh bạn Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình, sao cho mỗi du khách đến Huế hay Quảng Bình biết được có một chương trình như thế đang diễn ra tại Quảng Trị để sau tua du lịch đến các di sản thế giới này, họ không thể không về với đất thiêng Quảng Trị.

“Ở các di tích lịch sử cách mạng ở Quảng Trị thu hút lượng du khách cao như di tích cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị… cũng nên có các pa nô, áp phích tuyên truyền về chương trình, các hướng dẫn viên sẽ có trách nhiệm thuyết minh thêm cho du khách về chương trình này để nhận sự đóng góp từ du khách. Sự đóng góp này được công khai trên một trang web của chương trình được quy thành số lượng bình hoa và thậm chí cả địa điểm nghĩa trang liệt sĩ, nơi sẽ đặt bình hoa mà du khách dâng cúng. Từ những du khách, câu chuyện về “Hoa dâng mộ liệt sĩ” sẽ lan tỏa”, ông Bình nói.

Bạn Cao Hồng Vân, sinh viên Trường Cao đẳng Y-Dược Quảng Trị, chia sẻ: “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc vừa là truyền thống vừa là đạo lý. Và với sự hy sinh của bao lớp tuổi xuân trên mảnh đất Quảng Trị suốt hai cuộc kháng chiến, chắc chắn, những cuộc vận động như thế này cần được duy trì như một hình thức giáo dục lịch sử và nhắc nhở thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Em luôn muốn được làm điều gì đó có ý nghĩa với những anh hùng đã ngã xuống cho chúng em ngày hôm nay... Chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” chính là cơ hội để những người trẻ chúng em đóng góp chút công sức của mình, thể hiện tấm lòng mình dâng lên các anh hùng liệt sĩ”.

Trung úy Nguyễn Đình Bảng (Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị) bày tỏ, việc được chăm sóc phần mộ của những người đi trước, đã ngã xuống cho độc lập tự do luôn mang lại cảm xúc khó tả. Mỗi đóa hoa là một tấm lòng, mỗi nén hương là những nỗi tiếc thương gửi đến các anh, mong các anh có giấc ngủ bình yên trong cõi vĩnh hằng.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG