Kết quả lấy phiếu phản ánh mức độ thực hiện nhiệm vụ

Kết quả lấy phiếu phản ánh mức độ thực hiện nhiệm vụ
TP - Phát biểu tại Phiên họp thứ 19 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 10/7, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ từng người.

> “Xin tiếp thu và nghiên cứu”
> Vì tương lai lập nghiệp

Chất vấn còn dàn trải

Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII của UBTVQH do Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác tổ chức lấy phiếu tín nhiệm còn có sai sót về kỹ thuật.

Các báo cáo tự đánh giá của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa thống nhất về thể thức, tiêu chí đánh giá, có báo cáo chưa thực sự sâu sắc. Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, khi sao chép kết quả từ Biên bản kiểm phiếu chuyển sang Nghị quyết có sự nhầm lẫn giữa hai bộ trưởng, chuyển đuôi của anh này sang anh khác. “Không có sai sót gì cả mà chỉ là sơ suất. Ban công tác đại biểu xin nhận khuyết điểm”- bà Nương nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh chân thực tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các hoạt động tư pháp của đất nước thì “quá rộng”. “Kết quả lấy phiếu chỉ đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ từng người được lấy phiếu thôi”- Ông Lý nhận xét.

UBTVQH cũng cho rằng, các chất vấn còn dàn trải, chưa sâu, chưa đúng nhóm vấn đề; người trả lời chưa bám sát chất vấn, trả lời dài dòng. Ý kiến thảo luận còn trùng lắp, nặng về nêu tình hình, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Việc tổng hợp ý kiến thảo luận chưa thực sự đầy đủ; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý có nội dung chưa thuyết phục.

Dành 3 ngày thảo luận, thông qua Hiến pháp sửa đổi

Dự kiến họp từ ngày 21/10 đến 26/11/2013, Kỳ họp thứ 6 QH Khóa XIII sẽ dành 20 ngày cho công tác xây dựng pháp luật. Trọng tâm là thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và 13 luật khác. Theo chương trình, kỳ họp này dự kiến sẽ dành 3 ngày để thảo luận, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tiếp thu ý kiến của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, để tổng hợp, hoàn chỉnh, trình QH thảo luận, thông qua. Đặc biệt, phải chốt được các vấn đề liên quan đến HĐND, UBND. Cần tổ chức đoàn giám sát để đánh giá, tổng kết việc thí điểm bỏ HĐND thời gian qua.

Về dự thảo Luật Đất đai, Chủ tịch QH cho biết đã đề nghị Chính phủ thảo luận lại dự án luật này thật kỹ, sau đó mới có thể hoàn thiện, trình QH. Ngoài ra, hai nghị định về giá đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư cũng phải được đưa ra Chính phủ thảo luận, chuẩn bị, bởi khi làm thì mới nảy sinh nhiều vấn đề. “Ngay tập thể Chính phủ cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này”- Ông Hùng cho biết.

Đề nghị trang bị vũ khí cho lực lượng kiểm ngư

Hôm qua, UBTVQH cũng cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo tờ trình của Chính phủ, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm ngư, các bộ, ngành thấy rằng, đây là lực lượng hoạt động độc lập, có nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

“Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho Lực lượng kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chính phủ đề nghị trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng kiểm ngư khi thi hành nhiệm vụ” -Chính phủ đề xuất.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, đa số thành viên ủy ban nhất trí và cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp trong việc quản lý, bảo vệ ngư trường trên các vùng biển nước ta hiện nay thì việc trang bị vũ khí quân dụng cho Kiểm ngư là cần thiết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG