Bài cuối

Khát vọng lên bờ: Vẫn mơ về nơi xa lắm

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (trái) thuật lại những ngày long đong, gian khó trên sông Đà
Ông Nguyễn Văn Vĩnh (trái) thuật lại những ngày long đong, gian khó trên sông Đà
TP - “Bốn đời ông bà, bố mẹ, con cái chúng tôi đã quá khổ vì không có đất sản xuất, nay mong được xem xét có được phần đất đã chia trước đây để chúng tôi lên bờ ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Vĩnh, người dân ngõ Thượng Giáp, xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi (Đồng Mai, Hà Đông) nói.

“Bốn đời ông bà, bố mẹ, con cái chúng tôi đã quá khổ vì không có đất sản xuất, nay mong được xem xét có được phần đất đã chia trước đây để chúng tôi lên bờ ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Vĩnh, người dân ngõ Thượng Giáp, xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi (Đồng Mai, Hà Đông) nói.

Không còn sức cạnh tranh

Trong “tư dinh” của anh Trang hôm nay có thêm ông Nguyễn Văn Vĩnh đến thăm, ông cũng tranh thủ phụ giúp hai vợ chồng anh đan lại tấm lưới đã rách cho đỡ nhớ nghề.

Nghĩ lại những ngày đi khắp các tỉnh phía Bắc, ông Vĩnh rùng mình kể, người lúc nào cũng thiếu ngủ, mỗi ngày chỉ được ngủ được chút ít, nhá nhem tối mang lưới đi thả, đêm thì thả rọ đánh tôm, rồi thu lưới. Ba, bốn giờ sáng hôm sau lên chợ soi đèn dầu bán cá lấy tiền gửi về cho gia đình. Hai vợ chồng cứ thế, gạo chợ, nước sông lo từng bữa ăn qua ngày.

“Năm 1979, nghe mách có nguồn mới, tôi cùng một người bạn sang Sông Cầu (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đánh bắt, đến năm 1982 gặp vợ tôi bây giờ. Bà ấy bố mẹ mất sớm, ở cùng anh trai, cũng làm nghề sông nước nên dễ hiểu và đồng cảm, thế là đồng ý lấy nhau. Cưới xong được dăm bữa vợ chồng lại khăn gói lên thuyền đi đánh cá. Năm sau sinh đứa con đầu trên dòng sông Lường địa phận xã Đông Xuyên (huyện Yên Phong, Hà Bắc cũ), rồi đến đứa thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5. Cứ neo thuyền ở đâu thì đưa vợ đến trạm xá khu vực đó để đẻ. Sau đấy, vợ chồng xin giấy chứng sinh đợi đến dịp lễ, Tết, mới về nhà làm được giấy khai sinh. Hai đứa đầu theo bố mẹ từ bé nên không học hành gì, không đứa nào biết chữ”, ông Vĩnh kể lại.

Ông Vĩnh cho hay: Ngư dân chúng tôi về lòng sông Đà đánh cá được một thời gian, nay, tôm cá tự nhiên ít lắm. Giờ đây, người dân bản địa sẵn có nhà có đất trồng cấy, lại được các cấp ngành địa phương hỗ trợ kinh phí nuôi trồng thủy sản. Họ có bè nuôi cá, nuôi tôm rải khắp lòng hồ, lòng sông. Ngư dân chúng tôi đã cùng kiệt, không còn sức cạnh tranh được nữa.

Ông Vĩnh cho biết, đánh bắt được cá, tôm đã khó, nhưng đi đến đâu, khu vực nào cũng bị kiểm tra, giấy phép hành nghề, phải nộp đủ thứ tiền phạt cả trăm nghìn đồng. Rồi vì là người lạ nên neo tàu nghỉ qua đêm cũng phải đóng phí an ninh. Ông cười hài hước “Tôi nay đã về "nghỉ hưu", lui về quê để chăm sóc các cháu nội ăn học, dành thời gian cho các con tiếp tục với nghề "theo đuôi cá nước”.

Không ít lần ông Vĩnh chứng kiến, những cơn giông ập đến lúc nửa đêm, bao gia đình gặp cảnh ly tan, con mất cha, vợ mất chồng, bố mẹ mất con. Có gia đình, sáng ra vợ đi chợ, chồng ở nhà trông con, mệt quá thiếp đi, tỉnh dậy con rơi xuống sông lúc nào không hay. “Còn nhớ năm 2015, khi căng lưới đánh cá trên đập thủy điện Sơn La, hai vợ chồng anh Khải (sinh năm 1991, ở cùng xóm ông Vĩnh - PV), nửa đêm gặp cơn giông lớn, thuyền bị lật, chồng may mắn bám được can nhựa mới thoát nạn, nhưng vợ và đứa con trong bụng vĩnh viễn ra đi, đau xót lắm…”, ông Vĩnh ngậm ngùi.

Ông đọc vanh vách từng người, từng gia đình gặp nạn trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La trong mấy năm qua. Có những vụ cả gia đình gặp nạn ra đi mãi mãi: Gia đình Nguyễn Văn Chứ, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Mơ…Những cái tên nối tiếp, danh sách thống kê số người chết đã lên hai chữ số. “Chính quyền địa phương cũng vài lần tổ chức đi thuyền lên thăm. Họ tận mắt chứng kiến cảnh sống cơ hàn, khổ cực của ngư dân chúng tôi. Thấy các cháu nhỏ buộc bóng ở lưng bơi họ đem tặng áo phao, thấy chúng tôi dùng đèn dầu họ mang tặng đèn pin… Có bà Chủ tịch HĐND phường còn khóc suốt cả chặng đi thuyền về, không phải sợ mà vì thương dân khổ quá”, ông Vĩnh cho biết.

“Hiện nay, đất quỹ 2 do UBND phường Đồng Mai quản lý còn khoảng hơn 10ha, đến tháng 6/2019 UBND phường sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu thầu với giá dự kiến khoảng 1.500 đồng/m2, người dân “vạn đò” có quyền tham gia để có đất sản xuất”. 
Ông Lê Quang Thuận, Chủ tịch UBND phường Đồng Mai 

Mong có cuộc sống ổn định trên bờ

Quay lại tổ 18 Bãi, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Chắc sinh năm 1953. Lần đầu gặp mặt, ít ai nói đúng tuổi ông, cả đời gắn liền với con cá, lênh đênh trên sông, mặt đen sạm, tóc bạc trắng khiến ông già thêm nhiều chục tuổi. Ông Chắc có 4 người con, trước đây đều đi đánh bắt cá trên sông Đà, nay nguồn cá cạn kiệt, cả 4 người lần lượt bỏ thuyền về nhà đi làm thuê. Hai vợ chồng con cả người đi phụ hồ, người làm may tháng thu được vài triệu, không đủ trang trải cuộc sống.

“Năm ngoái, hai vợ chồng người con út, sau nhiều năm lênh đênh trên sông cực quá, đành bỏ, quay về nhà học sửa chữa điện thoại. Vừa mới thuê nhà, mở cửa hàng, buôn bán chưa được bao lâu, bị kẻ gian đốt cháy, mất sạch. Nay hai vợ chồng đành theo anh chị đi xách vữa trong Hà Đông để lấy tiền nuôi 3 đứa con ăn học và trả nợ”, ông Chắc kể.

Ông Chắc còn cho biết, cũng vì khó khăn, dù sống trong phường Đồng Mai nhưng nhiều gia đình ở xóm xin cho con học trái tuyến bên xã Thụy Hương (Chương Mỹ) cho bớt tiền học phí.

Mới đây, thống kê của xóm Ngư nghiệp tổ dân phố 18 Bãi gửi các cấp chính quyền, có 129 hộ với 554 nhân khẩu thì có đến 40% vẫn ngược xuôi trên dòng sông Đà, đập thủy điện Hòa Bình, Sơn La để đánh bắt cá. Trong số đó, có đến 60% người không biết chữ, có gia đình, con cái chỉ học đến lớp 7, 8 là bỏ học theo cha mẹ lênh đênh trên sông. “Tuy vẫn theo con cá trên các đập thủy điện nhưng người dân vẫn giữ hộ khẩu tại địa phương, không bỏ khoản đóng góp nào. Hằng tháng, hàng năm họ vẫn thường xuyên tải gạo, ngô về nuôi gia đình”, ông Nguyễn Văn Chắc cho biết.

Thế nhưng, từ năm 1993, khi vẫn thuộc huyện Thanh Oai, những hộ dân xóm ngư nghiệp này không được chia đất sản xuất theo Nghị định 64-CP của Chính phủ (dù thuộc diện được giao đất sản xuất). Tiếp đó, các năm từ 1994 - 2009 họ liên tục có kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri đòi các quyền lợi của mình. Đến nay, chính quyền Đồng Mai thừa nhận các hộ này chưa được giao đất.

Mới đây, kiến nghị của người dân lên đến UBND TP Hà Nội, Chính phủ và sau đó, được quận Hà Đông hồi đáp rằng: Việc giao đất là không thể giải quyết, quận đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng đó, quận sẽ tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp công ích trên địa bàn phường Đồng Mai để các gia đình có nhu cầu tham gia… đấu giá.

Khát vọng lên bờ: Vẫn mơ về nơi xa lắm ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Chắc nêu nguyện vọng của người dân xóm ngư nghiệp muốn sớm ổn định cuộc sống
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.