Không để dịch bạch hầu lan rộng, kéo dài

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thị sát vùng dịch bạch hầu ở Đắk Nông
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thị sát vùng dịch bạch hầu ở Đắk Nông
TP - Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ngày 3/7, Bộ Y tế gửi Công điện về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông đến Sở Y tế các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước.

Để giảm thiểu trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài. Chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo quy định. Tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng. Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.

Ðắk Nông chiếm 64% tổng số ca mắc toàn quốc

Đợt dịch này, tính đến ngày 3/7, cả nước ghi nhận 25 người dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 16 ca ở Đắk Nông (gồm 2 trường hợp tử vong). Cuối tháng 6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch ở Đắk Nông.

Chiều tối 3/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, xác nhận, mới có thêm 1 ca tử vong do bệnh bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông. “Bệnh nhân tử vong ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM do bị nhiễm độc quá nặng. Chúng tôi vẫn đang cử cán bộ tham gia công tác phòng ngừa dịch ở tỉnh Đắk Nông. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát hết các tỉnh Tây Nguyên để tiếp tục phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu”, ông Chiến nói.

Bệnh nhân tử vong là cháu Giàng A. P (13 tuổi, người Mông, trú tại xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong). Sau khi được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ngày 26/6, cháu P được chuyển đi cấp cứu ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong tình trạng nguy kịch và qua đời. Ngành y tế Đắk Nông vẫn đang tìm cách xác định nguồn lây bệnh bạch hầu ở tỉnh này.

Tỉnh Kon Tum hiện có 9 ca nhiễm bạch hầu. Theo bác sĩ Võ Văn Hùng, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum), từ 2018 đến nay, Đắk Tô liên tục ghi nhận các ca bệnh bạch hầu. Bác sĩ Hùng lo ngại, có những người mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh, chỉ khi được khám và xét nghiệm mới phát hiện bệnh bạch hầu, nên nguy cơ lây ra cộng đồng rất cao.

Bác sĩ Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, cho biết, đa số trường hợp dương tính với bạch hầu từ đầu năm 2020 đến nay đều là người lớn tuổi, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ông Thanh cho rằng, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh không đảm bảo, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế cũng khiến một số đối tượng dễ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh, lây ra cộng đồng.

Theo ông, các ổ dịch trong những năm gần đây đều được kiểm soát tích cực, khống chế kịp thời và hiệu quả. Bệnh bạch hầu xuất hiện những năm gần đây do nguồn lực hạn chế nên công tác tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib phòng chống bệnh chưa được rộng rãi, chủ yếu ở các ổ dịch; còn người dân ở một số vùng có nguy cơ thì chưa được tiêm phòng…

Chiều tối 3/7, phóng viên Tiền Phong liên lạc với ngành y tế Đắk Nông để hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để dịch bệnh bùng phát, nhưng không ai nghe máy. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sẽ rà soát để tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em toàn tỉnh nhằm tăng miễn dịch trong cộng đồng để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.