Không 'phục' kết luận kiểm toán có thể kiện ra tòa

TP - “Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án”, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.
Xử lý tài chính hơn 231 nghìn tỷ đồng
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN lần này có tác động như thế nào đến việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, thưa ông?
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.
Để thực hiện tốt yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tương thích phù hợp với Luật Thanh tra, dự thảo Luật đã bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đồng thời, để có cơ sở hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, các biện pháp tổ chức kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Luật sửa đổi còn quy định Tổng KTNN ban hành quy trình, trình tự, thủ tục kiểm toán, việc xác minh làm rõ cũng như việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu 
tham nhũng.
Không 'phục' kết luận kiểm toán có thể kiện ra tòa ảnh 1

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh 


Thực tế cho thấy, từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực đến nay, KTNN đã có đóng góp rất lớn vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đất nước. Từ năm 2011 đến 2017, KTNN xử lý tài chính 231.946 tỷ đồng, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 741 văn bản. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII, năm 2016 tới nay đã xử lý tài chính 129.683 tỷ đồng. Với việc bổ sung thêm quyền cũng như trách nhiệm cho cơ quan KTNN trong thời gian tới, KTNN sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Không ít đại biểu Quốc hội quan tâm đến quyền khiếu nại, khởi kiện các kết luận của cơ quan kiểm toán. Nếu luật này được thông qua thì việc khiếu nại, khởi kiện sẽ thực hiện ra sao?
Luật KTNN năm 2015 đã quy định cho đơn vị được kiểm toán quyền khiếu nại. Tuy nhiên, Luật KTNN năm 2015 chỉ quy định các đơn vị được kiểm toán mới được quyền khiếu nại, nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không được quyền khiếu nại. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền khiếu nại về kết quả kiểm toán, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được khiếu nại với Tổng KTNN về hành vi của Đoàn kiểm toán. Đồng thời, đơn vị được kiểm toán được khiếu nại với Tổng KTNN về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán…
Còn về khởi kiện, dự thảo Luật KTNN quy định rõ trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN, hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án. Trình tự thủ tục khởi kiện được thực hiện theo Luật Tố tụng Hành chính và để thực hiện được việc khởi kiện thì Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng Hành chính, nhằm bảo đảm các quy định về khởi kiện.

Chống tham nhũng trong nội bộ kiểm toán
Vấn đề khác được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến trong thời gian qua là chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Vậy theo ông, Luật KTNN sửa đổi lần này có đủ sức chống tham nhũng, sách nhiễu trong chính lực lượng kiểm toán không?
Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhất là đối với lực lượng kiểm toán viên của KTNN luôn được KTNN coi trọng.  Luật KTNN năm 2015 đã quy định về chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ của cơ quan KTNN. Trước mỗi đợt kiểm toán, Tổng KTNN đều ban hành các chỉ thị, công điện để siết chặt kỷ luật, kỷ cương nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật KTNN, đồng thời cũng làm cơ sở rà soát lại những biện pháp, những việc KTNN đã thực hiện từ trước đến nay, Luật KTNN sửa đổi lần này đã bổ sung quy định, Tổng KTNN quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong nội bộ KTNN theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; đồng thời bổ sung một điều về kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Như vậy, với việc sửa đổi Luật KTNN sẽ góp phần ngày càng nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, qua đó phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, hách dịch trong hoạt động kiểm toán.

Cảm ơn ông!

Theo kế hoạch vừa được Tổng KTNN Hồ Đức Phớc ký ban hành, năm 2020 dự kiến toàn ngành sẽ thực hiện 146 cuộc kiểm toán. Trong đó sẽ lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô phù hợp để kiểm toán, như các tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực TPHCM...; lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng Nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng thương mại.

Đặc biêt, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình dự án, KTNN dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm. Điển hình như các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM; việc đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội...

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.