Không thể không có đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

Không thể không có đường sắt cao tốc Bắc - Nam?
TP - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nói, một số báo đưa tin về Dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) trong mấy ngày gần đây chưa chính xác. Ông cũng nói rõ, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội không bác bỏ mà yêu cầu Chính phủ chuẩn bị dự án này kỹ lưỡng hơn.
Không thể không có đường sắt cao tốc Bắc - Nam? ảnh 1

Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Chính phủ chưa có kế hoạch, chủ trương đầu tư xây dựng ĐSCT. Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu dự án là cần thiết để làm rõ thêm các ý kiến góp ý, ý kiến của ĐBQH, do báo cáo tiền khả thi chưa có điều kiện đề cập. Chính phủ chủ trương tiếp tục nghiên cứu để có thêm thông tin, xây dựng một báo cáo khả thi về dự án, báo cáo này sẽ trả lời, làm rõ những thắc mắc mà báo cáo tiền khả thi chưa trả lời được”.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, Nhật là nước cho vay ODA lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2011, Nhật sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ODA không hoàn lại để nghiên cứu về dự án ĐSCT Bắc-Nam (tuyến Hà Nội - Vinh và TPHCM-Nha Trang); dự án đường sắt đô thị Hà Nội-Nội Bài…

Trên cơ sở đề xuất của Bộ, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội-Vinh, TPHCM-Nha Trang thuộc dự án ĐSCT Hà Nội-TPHCM và dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Nội Bài. Bộ GT-VT là chủ quản dự án.

“Việc nghiên cứu dự án sẽ chỉ sử dụng vốn ODA không hoàn lại, không dùng ngân sách. Chỉ khi nghiên cứu thấy có hiệu quả mới bàn đến việc đầu tư. Chúng ta cũng chưa chọn nhà đầu tư, công nghệ của bất cứ nước nào”- Ông Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Dũng, trong lập dự án, yêu cầu phải lên quy hoạch chi tiết cho toàn tuyến. Còn làm vào lúc nào, làm thế nào sẽ phải tính toán, nhưng không thể không có một ĐSCT Bắc-Nam. Con đường này không thể là đường khổ 1,435m lồng lên tuyến hiện có.

Chính phủ sẽ phải lập dự án, cắm mốc giới ngay từ bây giờ để thực hiện trong 3- 4 chục năm sau. Báo cáo lần này đi sâu hơn vào các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, hiệu quả kinh tế của dự án, đánh giá tác động môi trường - vấn đề mà báo cáo trước đây chưa giải quyết. Cần 3-4 năm để lập báo cáo này và chưa thể quyết định thời điểm nào sẽ trình dự án với Quốc hội.

Lắng nghe ý kiến về trục Hồ Tây - Ba Vì

Liên quan vấn đề Hà Nội có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phản đối trục Ba Vì -Hồ Tây, mâu thuẫn với đề xuất của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chính phủ lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà tư vấn, các cấp chính quyền, ý kiến của Quốc hội và nhân dân. Các ý kiến này cũng như ý kiến của Hà Nội sẽ được tập hợp, thẩm định để hoàn thiện đồ án trước khi trình Thủ tướng phê duyệt”.

Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, sau khi Thủ đô mở rộng, có ý tưởng quy hoạch một quỹ đất ở ba Vì về lâu dài cho một số cơ quan bộ ngành, từ đó đặt ra ý tưởng quy hoạch xây dựng trục Thăng Long. Đây là trục giao thông đô thị, đồng thời mang tính chất trục sinh thái-cảnh quan-văn hóa.

“Theo quan điểm của tôi, quy hoạch một trục như vậy là cần thiết cho tầm nhìn 50 năm, bởi quỹ đất cho giao thông thủ đô chưa nhiều. Bên cạnh các trục đường 32, Láng-Hòa Lạc, vẫn còn cần có thêm nhiều trục khác nữa. Tất nhiên, chúng ta chưa đầu tư ngay, nhưng phải dành một quỹ đất”- Bộ trưởng Dũng nói.

Báo cáo Thủ tướng về Quy hoạch chung

Cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội đã soạn thảo xong văn bản mới nhất góp ý về Quy hoạch chung thủ đô và đã báo cáo Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trước khi Thành phố gửi văn bản này lên Thủ tướng Chính phủ. Văn bản báo cáo Thủ tướng thể hiện quan điểm của Hà Nội về việc có nên tồn tại một trục quy hoạch Hồ Tây-Ba Vì hay không.

MỚI - NÓNG