Kiểm toán nhà nước chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra

TPO - Trong 6 tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 37.513,4 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Kiểm toán nhà nước cho biết, đến 30/6/2019 toàn ngành đã triển khai 126/220 cuộc kiểm toán theo kế hoạch (đạt 57,2%), kết thúc kiểm toán 108/220 cuộc, phát hành 53/246 báo cáo kiểm toán.

Theo tổng hợp kết quả xử lý tài chính, đến ngày 30/6 là 37.513,4 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó thu về NSNN 9.029,1 tỷ đồng; giảm chi NSNN 10.076,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 18.407,9 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, thay thế nhiều văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân.

Một số cuộc kiểm toán có kết quả đáng chú ý, điển hình như: Chuyên đề việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017; Chuyên đề Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2017; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Kiểm toán ngân sách Bộ Ngoại giao; Dự án xây dựng Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1)...

Cùng với đó, nhiều kiến nghị cũng được KTNN đưa ra nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các trường đại học công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; quản lý thuế xuất nhập khẩu; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020...

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, KTNN đã cung cấp 31 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, KTNN đã gửi công văn tới Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến: Vụ việc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam; Vụ việc của Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay trái quy định gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. Theo KTNN, hiện chưa có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các đơn vị được kiểm toán trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu, bằng chứng kiểm toán hoặc không thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng e dè, nể nang, chưa chủ động trao đổi ý kiến trong quá trình kiểm toán.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được KTNN đưa ra trong 6 tháng cuối năm này, là tập trung hoàn thiện, phát hành các báo cáo kiểm toán đã kết thúc theo đúng quy định của Luật KTNN; đảm bảo cơ sở pháp lý và chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là kiến nghị về xử lý tài chính và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân.

KTNN cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tránh rủi ro trong hoạt động kiểm toán, nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của kiểm toán viên và tính tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo các cấp.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.