Kiểm toán phát hiện hàng loạt sai phạm ở các dự án BOT, BT

Kiểm toán kiến nghị xử lý 925 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thành phố Hà Nội có tỷ lệ xử lý lớn
Kiểm toán kiến nghị xử lý 925 tỷ đồng, trong đó dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thành phố Hà Nội có tỷ lệ xử lý lớn
TP - Kiểm toán Nhà nước vừa gửi đến Quốc hội kết quả kiểm toán trong năm 2019. Trong đó, cơ quan kiểm toán tiếp tục chỉ ra nhiều bất cập, vi phạm trong các dự án BT, BOT.

7 dự án BOT phải giảm thời gian thu phí 56 năm

Kết quả kiểm toán 9 dự án BOT trong năm 2019 cho thấy, Bộ GTVT cho phép lập dự án trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục, phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điển hình là dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT. Cũng theo cơ quan kiểm toán, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn theo hình thức BOT đã không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công.

Đã vậy, nhiều dự án còn xác định sai khi tăng tổng mức đầu tư, điển hình như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư 45,4 tỷ đồng; dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức BOT (kiểm toán đợt 2) 61,9 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT 7,7 tỷ đồng…

Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1) còn xảy ra tình trạng thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu. Việc thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư tại dự án này cùng một số dự án khác, như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Km 45+100 Km108+500), chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng chưa cập nhật chi phí sử dụng trạm thu phí không dừng theo hướng dẫn của Bộ GTVT và Chính phủ.

Kiểm toán cũng chỉ rõ, dự án BOT An Sương - An Lạc sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục cầu Tân Kỳ Tân Quý không thuộc trên tuyến đường dự án với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng (đến 31/12/2018, chi phí đầu tư đã thanh toán cho hạng mục này 91 tỷ đồng, tổng vốn thanh toán 103 tỷ đồng). Cùng với đó, nhiều dự án còn lập thiết kế - dự toán sai sót, điển hình như dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn theo hình thức BOT 22,186 tỷ đồng; dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1 sai dự toán 36,7 tỷ đồng, kiểm toán đợt 2 sai dự toán 21,3 tỷ đồng).

Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý 925 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn, như dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (thành phố Hà Nội)…

Đặc biệt, kiểm toán cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án với 56,4 năm so với phương án ban đầu.

Kiểm toán 29 dự án BT

Kết quả kiểm toán 29 dự án BT tại các địa phương, trong đó thành phố Hà Nội có 5 dự án, Bắc Ninh và TPHCM mỗi địa phương 4 dự án, kiểm toán phát hiện hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công. Các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang hình thức đối tác công tư (PPP). Dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu và dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.

Liên quan đến việc xác định tổng mức đầu tư, trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai. Điển hình là dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh; dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A; dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, quận Long Biên.

Đáng lưu ý còn tình trạng phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT. Cụ thể tại Thanh Hóa, phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT 875,5 tỷ đồng. Tại Khánh Hòa, để xảy ra việc triển khai dự án hệ thống tuyến đường nhánh (GĐ2) khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Kiểm toán cũng khẳng định, hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng.

Đặc biệt, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên còn giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án BT khi đã có văn bản tạm dừng của Bộ Tài chính. Tỉnh Thanh Hóa còn giao đất thanh toán cho dự án BT chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hay như dự án Công viên hồ điều hòa Văn Miếu, Dự án Nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh, còn được địa phương giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định.

Đáng lưu ý, các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa và thành phố Hà Nội còn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013. Bên cạnh đó còn tình trạng nhiều địa phương xác định đơn giá đất chưa phù hợp với quy định.   

Qua kết quả kiểm toán 29 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 5.228 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn (chiếm 25%) so với giá trị được kiểm toán, như TPHCM 1.182,6 tỷ đồng; thành phố Hà Nội 1.854,59 tỷ đồng; Bắc Ninh 132,43 tỷ đồng. Năm 2018 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 7.453 tỷ đồng tại 37 dự án.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.