Kiến trúc đang bị pha tạp, biến dạng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) Ảnh: Như Ý
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) Ảnh: Như Ý
TP - Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), Luật Kiến trúc cần đảm bảo sự cân bằng trên cơ sở khuyến khích sự sáng tạo của kiến trúc sư. Hiện kiến trúc ở đô thị và nông thôn đang bị pha tạp, hỗn loạn, biến dạng. Cần tránh tình trạng đối phó, rập khuôn, tạo ra hàng loạt công trình tẻ nhạt, na ná nhau.

Cần chiến lược phát triển 

Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Kiến trúc. Đề cập đến quy chế quản lý kiến trúc, theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), nếu quy định mỗi địa phương có quy chế riêng sẽ mất đi sự quản lý chung trên toàn quốc. Quy định này không hợp lý, làm cho luật thiếu tính khả thi, gây khó cho kiến trúc sư.

Liên quan đến quy định cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư trong dự thảo, theo ông Tuấn, khi triển khai công trình, họ có quyền lựa chọn kiến trúc sư, và có thể chọn phương án kiến trúc của người không có chứng chỉ, thậm chí của sinh viên kiến trúc nếu thấy thỏa mãn yêu cầu đề ra. Không đồng tình với quy định trong dự thảo luật, đại biểu đoàn Ninh Bình đặt câu hỏi, không biết nước nào đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề của cơ quan quản lý nhà nước? 

Theo ông Tuấn, trong xu hướng xã hội hóa, cần loại bỏ tối đa giấy phép, vì vậy không cần thiết phải quy định có chứng chỉ mới được hành nghề. Mặt khác, để kiến trúc sư phát huy tư duy sáng tạo, ông đề nghị thiết kế một nội dung đề cập đến chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam.
Ngược lại, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cùng một số đại biểu khác đồng ý với quy định cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư. Tuy nhiên, ông Giang đề nghị không quy định Sở Xây dựng được cấp, vì sau này có thể sáp nhập vào sở khác nên rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, đại biểu Giang đề nghị bổ sung quy định quyền tác giả, bởi mỗi công trình kiến trúc là một công trình nghệ thuật mang tính sáng tạo cao. 

“Đây là luật khó, thể hiện ở tính chất chuyên sâu. Nếu đưa ra công cụ quản lý chặt sẽ không phát huy được sự thăng hoa, sáng tạo của kiến trúc sư. Còn nếu quy định lỏng lẻo sẽ không khắc phục được tình trạng tùy hứng, thiếu thẩm mỹ như thời gian qua. Đồng thời phải đảm bảo sự đồng bộ thống nhất, không xung đột với các luật khác và tránh bị hạn chế bởi các luật khác”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chia sẻ. 

Theo ĐB Hoa, ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể, khách quan hoạt động kiến trúc thời gian qua, xem kiến trúc đô thị, nông thôn như thế nào, rồi kiến trúc phố cổ ra sao… Đại biểu cũng cho rằng, hoạt động kiến trúc không chỉ kế thừa yếu tố truyền thống mà phải bảo tồn kiến trúc có tính văn hóa cao, đảm bảo tính thẩm mỹ, văn hóa và kinh tế.

Thiên nhiên đang “trả thù” con người

Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), kiến trúc ở đô thị và nông thôn đang bị pha tạp, hỗn loạn, biến dạng. “Kiến trúc là sáng tạo nghệ thuật, nên cần động viên sự sáng tạo của kiến trúc sư, tránh tình trạng đối phó mà rập khuôn, tạo ra hàng loạt công trình kiến trúc tẻ nhạt, na ná nhau”, đại biểu Mai nhấn mạnh. 

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, kiến trúc là văn hoá, nghệ thuật và kỹ thuật, phản ánh trực tiếp sự phát triển văn hoá, đời sống của con người. Không phải kiến trúc tạo nên môi trường mà môi trường tạo nên kiến trúc. Theo ông Hùng, các dự án kiến trúc gần đây còn nặng về giá trị kinh tế và lợi ích cục bộ hơn là bản sắc văn hoá. Đặc biệt, vừa qua nhiều công trình kiến trúc di sản văn hóa có thể bị xâm phạm. 

Ông Hùng dẫn dụ cụm di tích ở Hồ Gươm (Hà Nội), được coi như trái tim của cả nước. Theo khoa học, địa lý đây là long mạch giữ ổn định và thịnh vượng cho quốc gia, được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt. Đến nay đang dự kiến có đường tàu điện ngầm C9 cách cụm di tích đài nghiên tháp bút vài mét. “Không ai dám khẳng định khi thi công và vận hành đường tàu này có gây sụt lở hay ảnh hưởng đến cụm di tích không”, ông nói. 

Đi theo đó có nhà ga C3 mà theo ông Hùng, đây là kiến trúc “không giống Tàu cũng chẳng giống Tây”, hoàn toàn xa lạ với người Việt. Đặc biệt nhà ga này nằm trong vành đai 2 được bảo vệ bởi Luật Di sản. Dự kiến sau khi hoàn thành có 5.000 người đổ về đây. Như thế có giữ được cảnh quan của di sản cấp quốc gia đặc biệt này hay không. Cũng theo ĐB Hùng, hiểm hoạ môi trường sống hiện tỷ lệ thuận với đầu tư xây dựng kiến trúc và phát triển đô thị. Dường như thiên nhiên đang trả thù con người về xây dựng bừa vãi. Chính vì vậy, ông Hùng đề nghị dự án luật cần quan tâm đến giá trị văn hoá nghệ thuật, kỹ thuật của kiến trúc.

Đánh giá kiến trúc của ta đang bị sao chép, góp nhặt, chưa quan tâm nhiều đến kiến trúc xanh, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đề nghị bổ sung quy định kiến trúc đô thị như ưu tiên phát triển kiến trúc xanh, tạo hành lang pháp lý cho sửa chữa phố cổ. Bởi nhiều nơi hiện người dân sống trong đó rất bất an, công trình xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể sửa chữa.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.