Kinh doanh động vật hoang dã quanh vườn quốc gia Tràm Chim

Các loại chim hoang dã được công khai bày bán tại chợ thị trấn Thạnh Hóa (Long An).
Các loại chim hoang dã được công khai bày bán tại chợ thị trấn Thạnh Hóa (Long An).
TP - Tại nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười, đặc biệt khu vực quanh Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp), các loại động vật hoang dã bị cấm đánh bắt, buôn bán vẫn được bày bán tràn lan, công khai.

Tại thị trấn Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) các loại động vật hoang dã như rắn, rùa, chim, cò, trích, diệc, giang sen… được bày bán tràn lan và công khai, thậm chí còn nhiều hơn cả động vật nuôi. Nhiều loại chim, cò sống được nhốt trong lồng hoặc treo lủng lẳng. Khi khách có nhu cầu những người bán hàng sẵn sàng làm thịt, chế biến ngay tại chỗ.

Những người chuyên bán động vật hoang dã ở khu vực trung tâm thị trấn Thạnh Hóa cho biết, nguồn hàng do những thợ săn chuyên nghiệp ở địa phương bắt và cung cấp. Mỗi kg rắn, chim, cò, trích có giá bán từ 150.000 đồng trở lên; chim két xanh có giá 150.000 đồng/con, chim hoàng yến giá 150.000 đồng/cặp, le le giá 500.000 đồng/cặp, bìm bịp giá mỗi con từ 150.000 đồng trở lên…

Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên hợp lý trong Vườn từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm… góp phần làm giảm áp lực xâm nhập trái phép vào Vườn. Theo đó,  phối hợp với đoàn thể địa phương và trong gia đình quản lý, giáo dục con em không nên vào Vườn Quốc gia trái phép…”.

Ông Nguyễn Thế Hanh - Phó Giám đốc 

Vườn Quốc gia Tràm Chim

Hoạt động đánh bắt, buôn bán trái phép các loại động vật hoang dã quanh khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim (trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cũng sôi động không kém. Rất dễ dàng tìm thấy các loại rắn, rùa, chim, cò… tại các chợ Phú Thọ, Phú Cường, An Long và Tràm Chim. Những loại còn sống được nhốt trong lồng, chuồng lưới, một số khác đã nhổ lông và được bày trên những chiếc mâm.

Tại chợ Tràm Chim (trung tâm huyện Tam Nông), giá bán các loại  động vật hoang dã dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Tại đây còn có bán những loại rùa, với giá 300.000 đồng/kg và các loại khô rắn với giá từ 380.000 đồng/kg trở lên… Một phụ nữ chuyên bán chim và cúm núm (một loại chim) ở chợ Tràm Chim nói: “Công an, Kiểm lâm kiểm tra gắt gao quá nên chúng tôi không bày bán công khai với số lượng lớn như trước, nhưng nếu khách có nhu cầu, mua bao nhiêu cũng sẵn sàng đáp ứng”. Người phụ nữ này cũng cho biết, dù biết Nhà nước cấm buôn bán các loại động vật hoang dã nhưng vì mưu sinh vẫn cứ liều mình. “Không bán lấy gì sống. Vả lại, người ta thường đến hỏi mua nên mình phải bán”- người phụ nữ nói.

 Cách điểm bán chim cúm núm mấy bước chân là điểm bán rắn, rùa nổi tiếng với thương hiệu “Tám Rắn”. Rắn sống được để trong hồ kiếng, chuồng lưới, còn khô rắn treo lủng lẳng thẳng hàng, bên trong bịch khô rắn có nhãn hiệu của cơ sở chế biến “Tám Rắn”. Chủ cửa hàng Tám Rắn cho biết, rắn bày bán ở đây chủ yếu là các loại ri voi, rắn nước, rắn bông súng, rắn ri cá… Rắn sống có giá bán từ 150.000 đồng/kg trở lên tùy chủng loại, còn khô rắn có giá bán từ 400.000 đồng/kg trở lên...

Nguồn rắn chủ yếu được đưa từ Campuchia về và một số người săn bắt trong khu Ramsar Tràm Chim. Chủ cửa hàng Tám Rắn còn cho biết, ngoài rắn, ở đây còn có loại khô trăn. Tuy nhiên, theo bà, phải là người sành ăn mới phân biệt được khô rắn với khô trăn. Khô trăn có giá rẻ bằng một nửa khô rắn.

Sau khi rời chợ Tràm Chim, người viết bài cùng hai cán bộ ở một viện nghiên cứu công nghệ sinh học đến nhà hàng Phương Chi (thị trấn Tràm Chim) để dùng cơm trưa. Tại đây, chúng tôi thử gọi món chim, cò, cúm núm rô ti. Bà chủ quán cho biết: “Chim, cò, cúm núm độ này khan hiếm, do bị săn bắt theo kiểu tận diệt cộng với các ngành chức năng kiểm tra, truy bắt gắt gao quá”. Tuy nhiên, sau một hồi chuẩn bị, chủ quán cho bưng ra 2 con cúm núm đã chế biến (trọng lượng khoảng 300gram) với giá 280.000 đồng.

Ông Nguyễn Thế Hanh - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: “Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp kết hợp với Đội kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng và Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tràm Chim thường xuyên kiểm tra, phát hiện và bắt, xử lý hành vi mua bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh trái phép các loại động vật hoang dã. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động mọi người xây dựng ý thức bảo tồn quần thể các loài động vật hoang dã, đặc biệt một số loại động vật bản địa đang dần bị cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng.

MỚI - NÓNG