Lại bàn về chuyện Quốc huy: Vấn đề là có dũng cảm sửa sai không?

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm gia đình cố họa sỹ Bùi Trang Chước
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm gia đình cố họa sỹ Bùi Trang Chước
TP - Trong cuộc làm việc với cơ quan chức năng, chị Thủy trình bày lại quan điểm của gia đình như trong hàng chục lá đơn gửi đi các nơi cùng với nội dung, những chứng cớ hiện có: Gia đình tiếp tục mong sự coi xét công tâm khách quan của các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm đặc biệt là Bộ Văn hóa (lúc đó). 

Con gái họa sỹ Bùi Trang Chước kể lại: “Gần 100 tài liệu liên quan trong đó có hàng chục bản sao các mẫu phác thảo Quốc huy và di bút 3 trang của bố tôi, tất cả đã được cơ quan của Bộ Công an minh định đều là tài liệu thật không thể làm giả. Trên cơ sở đó gia đình khẳng định tác giả duy nhất sáng tạo ra mẫu Quốc huy chỉ có một người là bố tôi, họa sĩ Bùi Trang Chước.… Đến thời điểm này đã có tiếng nói khẳng định “phải kể đến công lao của họa sỹ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sỹ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt".

“Thưa, gia đình chúng tôi rất quý trọng và tôn kính danh họa Trần Văn Cẩn, một đồng nghiệp tài năng của bố tôi từng có những tác phẩm để đời, từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu về văn học nghệ thuật. Nhưng cái nào phải ra cái đó. Việc nào phải ra việc đó ạ”…

Vẫn theo lời chị Thủy kể: Một nhà chức việc của bộ, chất giọng chân tình, rằng nếu gia đình cứ giữ quan điểm như vậy thì có lẽ chỉ có thiệt. Chúng tôi nghĩ việc công nhận đồng tác giả là để sớm báo cáo với Quốc hội để có cơ sở làm chế độ cho cụ nhà. Sinh thời cụ đã chịu nhiều thiệt thòi…

Nhưng theo lời gia đình họa sỹ Bùi Trang Chước, hơn nửa năm qua đi, không thấy hồi âm gì từ phía Bộ Văn hóa sau lần làm việc ấy.

Một chiều muộn, có một người đàn ông tìm đến khu tập thể Thành Công.

Thưa đây có phải là nhà của cụ họa sĩ Bùi Trang Chước không ạ?

Thưa đúng, mời bác vào nhà… Chị Minh Thủy đáp.

Khách tụt giày ngoài cửa của một căn hộ ở gác 2. Một căn phòng hẹp lờ mờ. Nếu mất điện thì tối om om…

Thưa tôi là trợ lý của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Cụ Phiêu có nhận được đơn thư của gia đình gửi…

Ông khách đón lấy một tập bìa cứng bao ngoài khổ lớn nặng trịch. Rồi ông tỷ mẩn lần giở coi từng bản phác thảo mẫu Quốc huy và những đơn từ giấy tờ cần thiết mà chị Thủy đưa ra…

Thế này ạ, tôi xin thông báo cùng gia đình, sớm mai đồng chí… sẽ tới thăm gia đình và hỏi một số việc cần thiết liên quan đến đơn thư…

Sáng hôm sau, ngoài ông trợ lý còn có một anh bảo vệ tháp tùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến khu tập thể Thành Công.

Nguyên Tổng Bí thư kính cẩn dâng hương lên bàn thờ cụ họa sĩ Bùi Trang Chước. Cái cười ấm áp và chất giọng trầm nhưng vang lan tỏa không khí thân gần cho khắp căn phòng. Ông hỏi thăm gia cảnh… Rồi ông ngồi từ tốn coi lại những thứ mà người trợ lý đã lật giở chiều hôm trước.  Vẻ trầm ngâm, ông dừng lâu hơn trước một chứng chỉ danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996 cho họa sĩ Trần Văn Cẩn có những dòng “người sáng tác Mẫu Quốc huy và…”.  Chứng chỉ ấy do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày tháng 9 năm 1996.

Rồi ông cũng dành thời giờ coi qua vài tác phẩm khác của họa sỹ Bùi Trang Chước như các bức sơn khắc  "Phong cảnh vịnh Hạ Long", "Khu gang thép Thái Nguyên", "Thủy điện Thác Bà", "Phong cảnh chùa Thầy" và những mẫu tiền, tem thư, huân huy chương…

Nguyên Tổng Bí thư nói muốn mượn số tài liệu này về coi thêm và sẽ phối hợp với vài cơ quan cá nhân tìm hiểu rõ hơn về việc này. Chủ nhà cũng không quên báo cáo lại nội dung lần làm việc với đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kiên nhẫn nghe… Chị Minh Thủy nhớ nhất câu nói của ông, công chúng phải biết đến những sáng tạo của họa sĩ Bùi Trang Chước. “Rằng việc đã lâu lại phức tạp. Sẽ có nhưng lầm lẫn, sai sót nhưng vấn đề là có dám dũng cảm để sửa sai hay không”.

Công chúng phải biết? Chị Minh Thủy và gia đình cố họa sỹ Bùi Trang Chước không rõ nguyên Tổng Bí thư đã có những động thái gì sau lần thăm gặp ngắn ngủi ấy. Nhưng gia đình sau đó đã được nhiều cơ quan thăm gặp. Một việc quan trọng được nhắc đến nhiều là họ đề nghị gia đình nên có cuộc triển lãm trưng bày những sáng tác của cố họa sỹ Bùi Trang Chước trong đó có  các mẫu phác thảo Quốc huy…

Ngày 27/4/2004, lần đầu tiên các tác phẩm của họa sỹ Bùi Trang Chước được đưa ra giới thiệu với công chúng trong triển lãm mang tên "Bùi Trang Chước - Tác phẩm và hành trình sáng tạo" tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội. Triển lãm trưng bày trên 1.000 tác phẩm hội họa - tranh lụa, tranh sơn khắc, tranh thuốc nước, trong đó có 94 bản vẽ gốc về mẫu Quốc huy Việt Nam...

Cũng cần biên lại một chi tiết, trong thời gian chuẩn bị cho triển lãm ấy, một chiều, ông trợ lý nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại tới nhà. Ông đưa ra một phong thư trong đó có 30 triệu đồng nói là của cá nhân nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tài trợ cho cuộc triển lãm của cố họa sỹ Bùi Trang Chước.

Lại bàn về chuyện Quốc huy: Vấn đề là có dũng cảm sửa sai không? ảnh 1 Nguyên Tổng Bí thư chăm chú xem hồ sơ…

Và ngay sáng khai mạc triển lãm, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tới dự. Trong sổ ghi cảm tưởng còn lưu lại những dòng viết tay của một người xem từng thưởng lãm những tác phẩm của cố họa sỹ Bùi Trang Chước.

"Con người - cuộc sống và tác phẩm - tác phẩm, cuộc sống và con người họa sĩ Bùi Trang Chước quyện chặt tạo nên một nhân cách - nhân cách người nghệ sĩ vì nhân dân, suốt đời lao động nghệ thuật đều lấy phục vụ nhân dân làm mục đích. Sáng tạo làm ra những tác phẩm là của cá nhân nghệ sĩ, nhưng nghệ sĩ lại không nghĩ rằng đó là "của báu" dành riêng cho mình, mà cái lớn hơn là đem cống hiến cho đời, cho sự nghiệp phát triển của văn hóa dân tộc. Bùi Trang Chước xứng đáng là một họa sĩ - nghệ sĩ chân chính. Người đời mãi mãi trân trọng và ngưỡng mộ nhân cách đó của họa sĩ".

MỚI - NÓNG