Kỳ họp Quốc hội từ 22/10-20/11:

Lấy phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: QK
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: QK
TP - Theo dự kiến chương trình, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là 22,5 ngày, khai mạc vào 22/10 và dự kiến bế mạc ngày 20/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt và làm việc về công tác nhân sự. 

Chưa trình Luật Đặc khu

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/9, báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 và 11 tới, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ chưa trình ra Quốc hội dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) mà để tiếp tục hoàn thiện. Đối với dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện nay, Ban cán sự Đảng Chính phủ vẫn chưa báo cáo Bộ Chính trị nên cũng đề nghị chưa bổ sung nội dung này trong dự kiến chương trình kỳ họp.

Bên cạnh đó, sẽ bổ sung việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt; các dự án trọng điểm quốc gia như dự án Thủy điện Sơn La; Thủy điện Lai Châu; nhà máy lọc dầu Nghi Sơn…; tiếp tục cho ý kiến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển  đề nghị cải tiến thời gian làm việc của Quốc hội theo hướng bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng đến 16 giờ (thay vì 8 giờ và 17 giờ như hiện nay) và sẽ ăn trưa, nghỉ trưa luôn ở Quốc hội. Như vậy vừa tránh tắc đường, vừa tiết kiệm chi phí đưa đón đại biểu.

Cũng theo ông Phúc, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Do lịch các đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 2 - 15/11 nên dự kiến bố trí các nội dung thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn trước ngày 2/11, vì sau ngày 15/11 không còn thời gian để tiến hành chất vấn.

Giảm thời gian trình bày văn bản tại hội trường

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian làm việc về công tác nhân sự. Về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi thực hiện quy trình miễn nhiệm, phê chuẩn, có thể dành thời gian để Bộ trưởng Bộ TT&TT mới ra mắt, phát biểu khi nhậm chức trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Quốc hội cũng kiến nghị tiếp thu một số cải tiến về cách thức tiến hành kỳ họp như: Giảm thời gian trình bày văn bản tại hội trường (tiến tới không trình bày); giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội từ 7 phút xuống 5 phút; truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tổ về một số nội dung để nâng cao hiệu quả phiên họp này… Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cân nhắc, không nên cải tiến theo hướng như vậy…

Dừng dự án lập pháp về Luật Hành chính công 

Ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Đánh giá cao tâm huyết, dám nghĩ dám làm của cá nhân đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh và ban soạn thảo, song các đại biểu cho rằng, tính thống nhất, cụ thể và tính khả thi của dự án luật đều chưa đạt, nhiều vấn đề đặt ra chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hành chính công là vấn đề rất rộng, phức tạp, nội dung cụ thể đang được điều chỉnh trong nhiều đạo luật hiện hành. Trong khi đó, tính quy phạm và tính cụ thể của dự thảo chưa đạt yêu cầu, còn chung chung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị coi đây là công trình nghiên cứu để tham khảo, làm cơ sở khi xây dựng các quy định liên quan hành chính công ở các luật.

Tiếp thu các ý kiến, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, mục đích đề xuất xây dựng luật này xuất phát từ mong muốn của người dân về xây dựng một nền hành chính công đổi mới, phục vụ. “Nếu có dừng xây dựng dự án luật thì tôi cũng không suy nghĩ gì vì đã làm hết sức mình”, nữ đại biểu chia sẻ. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật tiếp tục có báo cáo thẩm tra, nhưng trên tinh thần báo cáo Quốc hội xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình, không làm nữa.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.