Liên tiếp ca mắc mới COVID-19 ở Đà Nẵng, lo ngại du lịch lại điêu đứng

TP - Hai ngày sau thông tin ca nhiễm COVID-19 mới ở Đà Nẵng, hàng loạt tua bị hủy không riêng Đà Nẵng, du khách trong trạng thái quay lại thời kỳ phòng dịch cao nhất.

THIỆT HẠI TỨC THÌ

Thông tin về ca bệnh mới ở Đà Nẵng như sét đánh với ngành du lịch. Sau ba tháng nỗ lực hoạt động đưa trở lại và vào đà tăng trưởng, du lịch Đà Nẵng giờ sắp trở về con số 0. Hoang mang là tâm thế chung của nhiều du khách chọn Đà Nẵng làm nơi nghỉ dưỡng hè này. Khách vừa từ Đà Nẵng trở về lo lắng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Khách sắp bay tới thành phố biển này lo thủ tục hoãn hoặc hủy chuyến, hoặc thay đổi lịch trình tới điểm du lịch mới.

Liên tiếp ca mắc mới COVID-19 ở Đà Nẵng, lo ngại du lịch lại điêu đứng ảnh 1 Du khách vẫn có thể đến các điểm du lịch ngoài Đà Nẵng Ảnh: KỲ SƠN

Chị Đoàn Thu Hà (35 tuổi, Hải Phòng) cho hay, mới đặt hai chuyến đi tới Đà Nẵng vào 30/7 và 15/8, một chuyến cùng cơ quan, một chuyến với gia đình. “Tôi rất bối rối, không biết giải quyết thủ tục vé máy bay và khách sạn ra sao”, chị Hà nói. Chị thanh toán đầy đủ vé máy bay và khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng với số tiền không nhỏ. Khách hàng như chị Hà đang nhận hỗ trợ từ phía hàng không, theo đó khách có chuyến bay từ 26/7 đến 31/8 được thay đổi hành trình ngày giờ bay hoặc bảo lưu trong vòng 180 ngày.

Không chỉ Đà Nẵng chịu ảnh hưởng tức thì từ ca bệnh Đà Nẵng. Không ít khách hàng đặt tua tới các điểm du lịch khác như Phú Quốc, Quy Nhơn đâm hoang mang. Anh Vũ Tuấn (Cầu Giấy) vừa đặt vé máy bay tới Phú Quốc đầu tháng 8, hay tin dịch bệnh phức tạp ở Đà Nẵng, anh quyết định hủy vé. Gia đình chị Lê (Hà Đông) đặt vé đi Phú Quốc vào 14/8, giờ như ngồi trên đống lửa. “Phú Quốc hiện chưa có ca bệnh nào, tôi rất lo lắng nhưng vẫn chờ thông tin dịch bệnh để quyết định đưa gia đình đi nghỉ hay lùi ngày”, chị Lê nói.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO của Cty AZA Travel thông tin, toàn bộ tua đi Đà Nẵng của khách đặt với công ty phải hủy. Là bởi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thông báo tạm dừng đón khách 14 ngày kể từ 26/7. “Hiện tại chúng tôi vẫn tổ chức các tua tới các điểm du lịch khác, tuy thế khách hàng vẫn không tránh được tâm lý lo ngại”, ông Đạt nói.

BÌNH TĨNH ỨNG PHÓ

Phía doanh nghiệp lữ hành lập tức lên kịch bản hành động. Trong khi chờ đợi thông tin chính thức từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh, các doanh nghiệp tăng cường quy trình phòng dịch. Ông Nguyễn Công Hoan, TGĐ Cty Flamingo Redtours cho biết đang làm việc với hàng không để tạo điều kiện cho khách kẹt ở Đà Nẵng. Một số đoàn khách đến Đà Nẵng được chuyển hướng tới Huế, trường hợp khách chưa bay thì doanh nghiệp trao đổi để khách chọn điểm đến khác.

Hỏi tinh thần ứng phó dịch bệnh của các doanh nghiệp trước diễn biến bất ngờ, ông Hoan nêu quan điểm sẽ theo dõi sát sao tình hình, tuân thủ chỉ đạo của nhà nước, đặc biệt là Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh. “Tôi nhận thấy lần này du khách khá bình tĩnh tiếp nhận thông tin COVID-19. Các điểm đến chưa có dịch, mọi người vẫn vui chơi nghỉ dưỡng như thường. Ngay ở Đà Nẵng, người dân cũng đón nhận thông tin khá nhẹ nhàng”, ông Hoan nói.

Lượng khách đổ về Phú Quốc, Vũng Tàu, Hạ Long... cuối tuần này vẫn đông nghẹt. Từ Phú Quốc, chị Nguyễn Thu Trang (Hà Đông) cho hay, các hoạt động du lịch ở đảo ngọc không có gì bất thường. “Người thân ở Hà Nội lo lắng gọi điện, nhưng tôi ở Phú Quốc thấy khá yên tâm, chưa thấy hiện tượng khách phải đeo khẩu trang”, chị Trang nói. Vị khách này cho rằng kinh nghiệm phòng chống dịch giai đoạn trước giúp chị và gia đình bình tĩnh, không tin vào tin giả, tin đồn lan truyền trên mạng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia, Tổng cục sẵn sàng các phương án ứng phó đại dịch. Tuy thế tại thời điểm hiện tại, Tổng cục chưa đưa ra khuyến cáo cụ thể nào để tránh tâm lý hoang mang, làm xáo trộn hoạt động du lịch ở các địa điểm chưa có dịch bệnh.

Cập nhật cơ sở lưu trú phục vụ cách ly
Bộ VHTTDL ban hành công văn số 2669 ngày 20/7 gửi UBND 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang về việc cập nhật danh sách cơ sở lưu trú du lịch phục vụ cách ly phòng chống dịch. Hồi tháng 3, Bộ có công văn về nội dung tương tự, nay lãnh đạo Bộ đề nghị các địa phương tiếp tục lựa chọn, bổ sung cơ sở lưu trú du lịch phục vụ cách ly người Việtở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia và lưu học sinh nhập cảnh Việt Nam thời gian tới.

Khởi động lại quy trình phòng chống dịch
Ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho hay: Thời điểm này người dân và doanh nghiệp cần bình tĩnh, phải chấp hành nghiêm chỉ đạo về khoanh vùng dập dịch, không thể vì mục tiêu du lịch mà bất chấp. 
“Tôi nghĩ tua du lịch ở các khu vực còn lại nếu chưa có vấn đề gì vẫn có thể diễn ra bình thường. Chỉ có điều ngành du lịch nên khởi động quy trình phòng, chống dịch một cách nghiêm túc nhất. Cụ thể, các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp phải thực hiện các bước như cung cấp đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt. Du khách đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện khai báo y tế đầy đủ. Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch sau thời gian giãn cách xã hội, dù du khách thấy phiền hà hơn một chút về thủ tục phòng dịch nhưng họ vẫn đặt an toàn lên hàng đầu khi du lịch”, ông Hoàng Nhân Chính nói.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".