Liên tục cháy tàu cá, tù mù nguyên nhân

Tàu cá QNg 48846 TS của ngư dân Lê Hồng Hải (xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đang sửa chữa tại bãi đã bị bùng cháy lúc nửa đêm 30/12/2017. Ảnh: Hà Anh.
Tàu cá QNg 48846 TS của ngư dân Lê Hồng Hải (xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đang sửa chữa tại bãi đã bị bùng cháy lúc nửa đêm 30/12/2017. Ảnh: Hà Anh.
TP - Tỉnh Quảng Ngãi vừa bị cháy 5 tàu, trước đó là Bình Định 3 tàu, ngoài ra còn nhiều tỉnh thành khác từ Bắc đến Nam đều xảy ra cháy tàu. Tuy nhiên chưa có cơ quan chức năng nào khuyến cáo cách phòng tránh cũng như công bố nguyên nhân.

Bình đề hay ắc quy?

Trời giá rét, mưa phùn, ngư dân Nguyễn Thùy (quê ở xã Bình Chánh huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) nhìn trân trân ra vị trí hôm trước neo đậu tàu mà bữa nay nó chỉ còn là một đống củi than. Tối 2/1, tàu QNg 95409 TS chứa 10 ngàn lít dầu và giàn lưới vây, tổng trị giá tài sản 2,5 tỷ đồng bị lửa thiêu rụi. Hỏi anh Thùy nhận định về nguyên nhân cháy tàu thì anh lắc đầu trả lời giống nhiều ngư dân khác: “chập bình ắc quy”.

Anh Thông, một thợ điện chuyên về hệ thống điện tàu cá ở huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam có thâm niên trong nghề phân tích, lâu nay khi xuống tàu sửa điện cho bà con, anh thường nhắc bà con nên bỏ thêm ít tiền để mua bảng điện có gắn đồng hồ báo điện áp của bình ắc quy, nhiệt độ máy, nhiên liệu, nhớt. Nhưng nhiều ngư dân không lắp đặt và cứ nhắm mắt sử dụng.

Anh Thông phân tích, bình ắc quy được sạc điện tự động 24 vôn, khi bộ mạch tích hợp IC bị hỏng mà ngư dân không biết do thiếu đồng hồ tín hiệu, nên điện thế sẽ vọt lên 35-40 vôn, từ đó bình ắc quy sẽ nóng và nổ bình. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít xảy ra và nguyên nhân cháy tàu do bình ắc quy là chưa thuyết phục. Vì trong thời gian qua, nhiều tàu cá bị cháy trong khi tắt máy, tàu đang neo và không sạc điện bình.

Anh Nguyễn Quốc Phong, một thợ điện chuyên về kỹ thuật điện máy tàu cá tại cửa biển Sa Kỳ, do từng va chạm nhiều tàu có nguy cơ bị cháy nổ, nên anh Phong chỉ ra thủ phạm gây cháy tàu, kể cả lúc tàu neo nghỉ là bộ phận đề. Tại tiệm của anh, hơn 100 chiếc đề sắp đầy nền nhà. Đa số bình đề đều cũ nát và rất khó mở vì ngư dân sử dụng khoảng 5-7 năm thì mới tháo ra bảo hành. Anh Phong phân tích, nếu cẩn thận thì mỗi năm mang đi bảo hành một lần, chi phí chỉ khoảng 100 ngàn đồng/chiếc. Ngư dân không quan tâm, cứ để tới đâu hay tới đó nên chập điện là đề sẽ tự chạy. Lúc vắng người thì đề chập điện và quay tự do đến khi nóng quá sẽ bốc lửa gây cháy tàu.

Sai sót chết người

Một thợ điện tàu ở cửa biển Tam Quan tỉnh Bình Định đi cùng chúng tôi xuống một con tàu câu cá ngừ đại dương công suất lớn đang tu sửa. Người thợ điện này giật mình chộp vội sợi dây điện bị cắt đứt bị ngư dân quẳng trên bình ắc quy. Anh cho biết, sợi dây điện này rất có thể là nguyên nhân phát lửa nếu bị chập mạch.

Tại một số tàu làm nghề mành chụp mực, diện tích hầm tàu gần như chật cứng vì chứa đến 4 chiếc máy, trong đó có 1 máy chính và 3 máy phát điện to tương đương máy tàu. Đa phần ngư dân sử dụng máy phát điện là động cơ của xe ô tô như Komasu, Hino để kéo bình dinamo phát nguồn điện. Hầm tàu chật nên máy móc nằm cạnh các thùng chứa dầu bằng nhựa. Anh thợ điện cho biết, áp lực điện dưới tàu mỗi ngày một tăng lên, vì vậy tàu gỗ rất dễ cháy nổ. Đối với nghề chụp mực, tàu phải gắn 250 bóng đèn, mỗi bóng có công suất 1.000 wat, nếu gắn hệ thống này trên tàu vỏ thép thì sẽ yên tâm hơn tàu gỗ.

Đi qua một vài hầm tàu cá, những người chuyên làm nghề thợ điện tàu đều lắc đầu với các đường dây điện bị vắt đủ chỗ như một đám chỉ rối. Khi hỏi các chủ tàu về cách phòng cháy nổ trên tàu thì hầu hết chỉ nói lơ mơ là “đừng thắp hương trên tàu rồi bỏ về”.

Một trong những nguyên nhân khác mà ngư dân và thợ điện cũng lắc đầu, đó là “chuột”. Nhiều tàu mới đóng có dây điện màu vàng, đỏ đẹp mắt, chỉ sử dụng một thời gian là đã bị chuột “mài răng” cắn đứt dây, gây xì khói trong khoang tàu.

Đặt lửa lên gỗ

Trên các tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Bình Định, toàn bộ hệ thống bảng điện, công tắc và đường dây đều được gắn trực tiếp trên nền gỗ của tàu. Các thợ điện cho biết, do hiện nay chưa có bảng điện chuyên gắn cho tàu cá. Nhưng việc gây giật mình nhất, đó là ngư dân của rất nhiều tỉnh hiện nay đều gắn toàn bộ hệ thống “tăng-phô” cao áp metal/mecury 1.000w lên sàn tàu. Mỗi bóng đèn có công suất khoảng 5.000 wat. Các công nhân khi làm việc lo sợ cháy tàu nên cứ phải chạy vào canh chừng.

Hệ thống máy móc trên tàu cá ngày càng hiện đại, nhưng hệ thống cảnh báo đi kèm vẫn chưa được lắp đặt tương xứng. Các thợ chuyên về điện tàu phân tích, phần lớn tàu cá nhỏ không gắn bảng đồng hồ tín hiệu vì máy móc quá cũ. Nếu có hệ thống tín hiệu thì thuyền trưởng sẽ nắm được nhiệt độ máy bất thường, nhớt, điện áp của bình ác quy. Ngư dân điều khiển tàu cứ thấy nổ máy là cho chạy, đến khi xì khói thì mới dừng lại.

Vị trí đặt bình gas để nấu ăn trên tàu cũng là câu chuyện cần được bàn đến. Một số tàu cá thiết kế khoang đặt bình gas phía sau đuôi tàu để nếu xảy ra xì gas thì sẽ không gây nguy hiểm. Nhưng rất nhiều tàu lại đặt bình gas ngay trong khoang tàu, gần thùng chứa dầu, khi tàu vận hành thì sẽ rung lắc liên tục dễ làm hở các mối nối dây gas, hơi gas xì ra gặp nhiệt độ cao trong khoang máy thì sẽ bắt lửa.

Nhiều tàu lưới rút còn mang theo một chiếc máy phát điện nhỏ chạy bằng nhiên liệu xăng để hỗ trợ đèn thu hút cá. Tôi giật nảy người khi chủ tàu lôi can xăng 20 lít đặt ngay dưới gầm bếp gas nấu ăn suốt cả năm nay.

Nhiều thợ máy và thợ điện tàu phàn nàn các thuyền trưởng không bảo dưỡng, không quan tâm hệ thống dễ gây cháy tàu. Cứ thấy máy nổ là đi. Tàu về bến neo đậu thì không cắt dây nóng từ bình ác quy nên dễ gây chập điện.

MỚI - NÓNG