Mối tình cảm động xuyên thế kỷ

TP - Đôi mắt trong veo, mái tóc dài chấm lưng thon của cô gái phố chợ Kỳ Lừa đã làm chàng sỹ quan công an trẻ yêu thầm, nhớ trộm. Để rồi nhân duyên làm họ nên nghĩa chồng vợ, gắn bó với nhau 65 năm qua không lúc nào phai lạt sự yêu thương, trân quý.
Mối tình cảm động xuyên thế kỷ ảnh 1

Ông bà Dương- Châu hôm nay và ngày cưới cách đây 65 năm. Ảnh: Duy Chiến

Sáng 13/1, ngôi nhà số 360, đường Trần Đăng Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn rộn rã bước chân ra vào. Con cháu, người thân, bà con lối xóm đến chung vui với ông Vũ Dương (SN 1930) và bà Thái Bảo Châu (SN 1933) nhân dịp tròn 65 năm ngày cưới.

Nhìn ông bà rạng rỡ, cầm tay nhau âu yếm sum vầy cùng 4 người con, 20 cháu chắt trong niềm đoàn viên, hạnh phúc, ai cũng ngưỡng mộ.

Hy sinh cho tình yêu

Ông Vũ Dương sinh ra và lớn lên ở xã Minh Thành, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1945, chàng trai trẻ được ngành công an tuyển dụng công tác tại Quảng Ninh. Năm 1948 khi thị xã Lạng Sơn giải phóng, Vũ Dương được chuyển về Ty công an Lạng Sơn công tác, nắm địa bàn ở khu phố chợ Kỳ Lừa.

Trong những lần đi cơ sở, anh Dương để ý cửa hiệu thuốc bắc người Hoa chuyên bắt mạch, kê đơn nằm giữa Kỳ Lừa. Ở đó có cô gái gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt tròn xoe và mái tóc dài đã thu hút ánh nhìn của chàng sỹ quan công an trẻ. Khi đó, Thái Bảo Châu, con gái chủ hiệu thuốc bắc bước sang tuổi đôi mươi.

Về phần cô Châu, trái tim cũng rung động khi chạm ánh nhìn đầu tiên với Vũ Dương. Đó là một chàng trai cao ráo, tuấn tú. Rồi cứ  chiều tà là họ bắt tín hiệu gặp nhau. Khoảng một năm sau, đôi tình nhân trẻ Vũ Dương-Bảo Châu chính thức đính hôn.

“Mọi thứ đều thuận lợi, nhất là mẹ của Bảo Châu rất quý mến tôi. Tuy nhiên, do quy định của ngành, việc lấy một người con gái có nguồn gốc nước ngoài cần phải xem xét lý lịch kỹ lưỡng. Không thể chờ đợi lâu, bản thân tôi đã quyết định thôi việc ở Ty công an Lạng Sơn để lấy được người mình yêu”. Ông Vũ Dương quả quyết kể lại.

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, bà Thái Bảo Châu cho biết, trước đây bản thân bà cũng chịu nhiều áp lực. Thời kỳ đầu sau khi cưới vẫn có nhiều cô gái xứ Lạng đến nhà tìm ông Dương trò chuyện, tuy thế bà vẫn ôn tồn làm cơm đãi khách khuyên bảo chân thành, vậy nên các cô rút lui dần.

Chung thủy, nhân ái

Lập gia đình, ông bà gặp nhiều khó khăn. Ông chuyển sang công tác tại Ty thương nghiệp Lạng Sơn; còn bà đi làm công nhân nhà máy mì sợi. Đồng lương còm cõi không đủ ăn, ông bà bàn nhau làm thêm nhiều nghề như: cuốn thuốc lá điếu thuê; trồng rau, nuôi lợn gà để kiếm sống, nuôi con.

Bà Lê Thu Hiền, cháu ngoại ở cùng với ông bà kể lại: Ông bà Dương- Châu luôn dành tình cảm thương yêu cho con cháu. “Tôi còn nhớ, khi thời kỳ khó khăn, có hôm gia đình chỉ còn một chẩy ngô, ông bà bung lên rồi phần hết cho con cháu. Khi đó, tôi mới ba tuổi, được ông bà dặn không được nói ông bà nhịn đói. Kỷ niệm đó đã theo tôi đi suốt cuộc đời”. Bà Hiền nói.

Ông Vũ Dương bây giờ tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn đảm đương việc nấu nướng, đi chợ để mua những thức ăn mà vợ yêu thích. Bà Châu không cho ai giặt quần áo, tự tay sắp xếp những “bộ cánh” cho chồng theo từng ngày, từng việc.

Học tập bài học nhãn tiền từ cha mẹ, con cháu của ông bà Dương - Châu luôn tâm niệm thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau.

Hôm nay, con cháu tổ chức “Đám cưới Kim cương” cho mình, ông Vũ Dương lại dắt tay bà Bảo Châu đến khuôn viên cây xanh ven sông Kỳ Cùng dạo bước. Họ nhớ về một thời son trẻ.

“Tài sản quý giá nhất của cuộc đời tôi là 4 người con và con cháu thảo hiền, trưởng thành. Tuy thế, sự sống và hạnh phúc của tôi là người tình trăm năm này”. Ông Dương dí tay vào vai bà Hiền nói trìu mến rồi bật cười sảng khoái.

MỚI - NÓNG