Mùa lá rụng…

TP - Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!”. Câu thơ của nữ thi sĩ nước Nga Olga Berggoltz viết năm 1938, mong manh, da diết qua bản dịch tài hoa của Bằng Việt. Sực nhìn lại đã qua suốt 80 năm rồi!

Ừ những chiếc lá, thênh thang và hun hút như thời gian. Nhưng đời người vô tình, mấy ai chịu soi mình vào lá.

Lại nhớ “Mùa lá rụng trong vườn” tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Ma Văn Kháng. Như một áng thơ thảng thốt về những chiếc lá thế hệ trong cội rễ gia đình. Những chiếc lá xao xác giữa buổi giao thời những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Vợ bỏ chồng đi theo nhân ngãi. Con bỏ Tổ quốc tìm “miền đất hứa”. Đồng tiền bắt đầu len lỏi trong những mối quan hệ…  

Mùa thu đã qua. Bây giờ, đêm Hà Nội xuống 10 độ C. Miền núi phía Bắc đang băng giá. Miền Trung giữa mưa rét vẫn đợi chờ cơn bão số 15 đang từ biển tiến vào. Người vô gia cư đang co ro. Rất lạnh…  

Và nữa, những cơn bão vẫn thổi liên miên qua những giềng mối gia đình. Để lại rất nhiều lá rụng.  

Bi kịch trong khu vườn gia đình bây giờ đã trở nên ghê gớm và biến ảo hơn nhiều, thưa nhà văn Ma Văn Kháng! Ngoại tình có khi không còn là một “tội” nữa. Hôm qua vợ chặt đầu, phanh thây chồng giấu vứt rải rác. Hôm kia, chồng đâm chết vợ trước mặt con. Rồi những hôm kia hôm kìa nữa, khắp nơi là những đứa trẻ mới lớn liên tiếp nhảy cầu, uống thuốc quyên sinh...

Một “cơn bão” chưa từng thấy, đang quét rụng rất nhiều những quan chức từng tàn phá đất nước, kể cả những vị đã về hưu 6-7 năm trời, tưởng chỉ còn yên ổn hưởng thụ.

Và có cả những chiếc lá xanh trẻ khỏe đầy sức sống, học vấn đàng hoàng cũng đang rụng, rụng nhiều. Là những đứa con được cha mẹ là quan chức mọi cấp, mọi địa phương tìm mọi cách “đẩy” lên giữ những chức vụ quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo với tốc độ chóng mặt. Khi tuổi đời, tuổi nghiệp đa phần còn mới non tơ. Hôm qua, một chàng thanh niên trong số ấy đã thốt lên: “Tôi đang bối rối!”. Mới 30 tuổi đã được cha tìm cách “ấn” làm giám đốc sở, nay bị tước bỏ mọi thứ, trắng tay.

Những đứa con hoang mang ấy sẽ đi tiếp cuộc đời còn rất dài trước mặt bằng cách nào? Và còn tâm trạng những người cha người mẹ? Tấn bi kịch gia đình thực sự phơi bày mà một thời gian dài vẫn cho là  nhờ “ân đức tổ tiên”!  

Một “mùa lá rụng” chưa từng thấy, đầy xa xót. Nhưng đó là cơn bão lành. Để bẻ gẫy những cành những nhánh mọc ngang ngược, chòi đạp lên mọi quy tắc sống, bất chấp quy luật phát triển sinh sôi.

“Gia đình bây giờ phải là lô cốt cố thủ. Gia đình phải là nơi không có sự chi phối của đồng tiền, ở đó con người sống với những tình cảm thật sự”, nhân vật nhà báo Luận nói với cha trong “Mùa lá rụng trong vườn”. Tư duy nghe chừng thật “cũ kỹ” giữa thời đại này. Nhưng làm sao khác được.

Thời đại bao la những phát kiến, tiện nghi của trí tuệ nhân tạo. Nhưng nghĩ, thời nào bên con người cũng không thể thiếu tấm biển “Coi chừng lá rụng”.

MỚI - NÓNG