Mưa lũ hoành hành: 14 người chết, 1.500 hồ đầy nước

TP - Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 16h chiều 21/7, đợt mưa đã làm 14 người chết (Yên Bái: 8, Thanh Hoá: 2, Hoà Bình: 1, Phú Thọ: 2, Lào Cai: 1) và 13 người mất tích (Yên Bái: 9, Thanh Hoá: 2, Phú Thọ: 1 và Sơn La: 1)

Di dân khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 21/7, vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ đã dịch chuyển về phía ven biển Bắc bộ và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.  Lúc 16 giờ hôm qua, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa, với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới là toàn bộ khu vực vịnh Bắc bộ.

Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới này sẽ di chuyển theo hướng Đông, đi từ đất liền vào giữa vịnh Bắc bộ, tốc độ khoảng 5-10 km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên huyện đảo Bạch Long Vĩ, sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.Trên đất liền, lũ trên các sông ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đang lên. Nguy cơ đặc biệt cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhiều nơi thuộc tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ; nguy cơ ở mức cao tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Trước tình hình trên, chiều 21/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có công điện khẩn, yêu cầu các địa phương Bắc bộ và Bắc Trung bộ khẩn trương liên lạc, kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn di chuyển an toàn cho tàu thuyền trên biển. Cùng đó, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và trên các đảo.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, áp thấp nhiệt đới, thông báo đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là mưa lớn, ngập úng, dông lốc; chủ động triển khai phương án ứng phó theo “phương châm 4 tại chỗ”.Đáng lưu ý, các địa phương triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Mưa lũ hoành hành: 14 người chết, 1.500 hồ đầy nước ảnh 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo, kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại Yên Bái, Phú Thọ.

Trên 1.500 hồ chứa đầy nước

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, đến chiều 21/7, có trên 1.500 hồ chứa ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đã đầy nước, đang chảy tràn tự do. Trên 230 hồ xung yếu, cần đặc biệt theo dõi, vì mưa lớn tiếp tục diễn biến phức tạp.Theo đó, ở miền Bắc, đến nay có 505 trong gần 2.700 hồ chứa nhỏ đã đầy nước (nhiều nhất là Hòa Bình 350 hồ, Lào Cai 77 hồ, Hà Giang 50 hồ), số hồ chứa còn lại đạt 50-78% dung tích thiết kế. Khu vực này cũng có gần 140 hồ diện xung yếu, nguy cơ xảy ra sự cố rất cao.

Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, hiện cũng có 1026/1.788 hồ chứa nhỏ đầy nước, số hồ chứa còn lại đạt 55-80% dung tích thiết kế. Đáng lưu ý, hầu hết số hồ đầy nước nằm ở khu vực đang có mưa lũ phức tạp như Nghệ An gần 510 hồ, Thanh Hóa 420 hồ, Hà Tĩnh trên 140 hồ…Khu vực này cũng có 95 hồ xung yếu (Thanh Hóa 24, Nghệ An 21, Hà Tĩnh 18, Quảng Bình 12, Quảng Trị 14, Thừa Thiên- Huế 7 hồ).

Ngoài ra, khu vực Bắc Trung bộ cũng có 46/132 hồ lớn đã đầy nước, trong đó Thanh Hóa 45 hồ, Hà Tĩnh 1hồ, số hồ còn lại đạt 50-70% dung tích thiết kế.Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Thủy lợi, trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, các địa phương phải khẩn cấp vận hành tối đa công suất các công trình thủy lợi để tiêu úng và tiêu nước đệm trong hệ thống kênh mương, đặc biệt ở khu vực có các diện tích lúa Mùa, Hè Thu mới gieo cấy.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.