Mưa lũ lại ập xuống miền Trung

Dự kiến đường đi và khu vực đổ bộ của bão số 7
Dự kiến đường đi và khu vực đổ bộ của bão số 7
TP - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hôm nay (14/10), sau khi vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão số 7 sẽ đi vào vịnh Bắc bộ và hướng thẳng đến các tỉnh Nam Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ với sức gió có thể giật cấp 11.  

Bão, mưa lũ dồn dập                                   

Theo dự báo, chiều 14/10, bão số 7 sẽ nằm ngay trên vùng ven biển các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sau đó, bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, vùng biển Vịnh Bắc bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh, sóng biển cao 3-5m. Do bão nên khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An nước có thể dâng cao 0,5m.

Từ sáng 14/10, trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng vùng ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Đáng lưu ý, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.

Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, với lượng mưa lớn tập trung trong 2 ngày tại Bắc bộ, các tỉnh vùng núi như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Các khu vực đô thị cần đề phòng ngập úng do mưa cường độ lớn; khu vực đông bắc các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ có mưa rất to kèm theo gió mạnh nên nguy cơ sạt lở lớn.

Ông Long cũng nhận định, lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long lên nhanh trong ngày 14 và 15/10. Bên cạnh đó, cần lưu ý nguy cơ mưa lớn hoàn lưu bão khi sang Lào có thể gây lũ quét trên các sông liên thông trên địa phận Thanh Hóa, Nghệ An.

Ngoài ra, theo cơ quan dự báo khí tượng, hiện ở vùng biển phía Đông miền Trung Philippines có một áp thấp nhiệt đới hoạt động và có khả năng đi vào biển Đông trong ngày 15/10, sau đó có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo các chuyên gia, nếu áp thấp nhiệt đới nói trên mạnh lên thành bão, biển Đông sẽ có cơn bão số 8 trong năm 2020. “Tổ hợp xoáy thuận” nhiệt đới này được dự báo sẽ di chuyển hướng về khu vực Trung và Nam Trung bộ trong những ngày cuối tuần tới. Diễn biến về quỹ đạo và cường độ của cơn xoáy thuận nhiệt đới này sẽ phụ thuộc vào đợt không khí lạnh tràn xuống nước khá mạnh trong ngày 16 đến 18/10 tới.

Do vậy, các tỉnh Trung Trung bộ sẽ có thể có mưa tăng trở lại từ ngày 16/10 do ảnh hưởng của không khí lạnh và trong ngày 17/10 sẽ mưa rất to, do kết hợp thêm với hoàn lưu của xoáy thuận nhiệt đới tiếp cận bờ. Đợt mưa tiếp theo này ở khu vực Trung Trung bộ có thể kéo dài tới khoảng 19-20/10.

Nhiều hồ chứa hư hỏng, mất an toàn

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hiện khu vực Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ có gần 2.850 hồ chứa thuỷ lợi, với dung tích chứa hiện từ 30-95% . Tuy nhiên, khu vực này có tới 65 hồ hư hỏng, 72 hồ đang thi công.

Ở Bắc bộ gần 2.550 hồ chứa, trong đó tới 81 hồ hư hỏng và hơn 50 hồ đang thi công; còn ở Tây Nguyên cũng có 41 hồ hư hỏng, 43 hồ đang thi công. Chưa kể, ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên có hàng trăm thuỷ điện nhỏ, không có dung tích phòng lũ.

Hôm qua (13/10), tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 và mưa lũ, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai lưu ý, chúng ta rơi vào tình thế thiên tai rất phức tạp, khi bão số 7 đang mạnh lên, mưa, lũ miền Trung đang ở mức cao, kết hợp với sạt lở vùng núi.

Do vậy, ông Thành đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo của Thủ tướng về mưa lũ.

Riêng các tỉnh Bắc Trung bộ và Bắc bộ cần kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão, lưu ý khu nuôi trồng thủy sản các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn, không để người dân trên lồng bè khi bão đổ bộ. Cùng đó, cần di dời dân ở khu vực nhà yếu, ven biển có gió mạnh, khu vực vùng núi có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở.

Ông Thành cảnh báo và đề nghị các địa phương, chủ hồ kiểm tra công trình đang thi công dở dang, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các công trình đang có sự cố, xem nếu mưa tiếp có tích nước được không, tránh để xảy ra như trường hợp thuỷ điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên-Huế.

Các địa phương lưu ý tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn và các hồ chứa khu vực Bắc bộ đã đầy nước.

Đến chiều 13/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ ở miền Trung đã làm 30 người chết, 14 người mất tích, trên 160 nhà bị ngập nước, hư hỏng. Để ứng phó với bão số 7, hiện một số địa phương đã chủ động có lệnh cấm biển trong ngày 13/10 là Nghệ An, Nam Định và Ninh Bình, dự kiến Thanh Hoá sẽ cấm biển từ sáng 14/10.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.