Mỹ thuật chứ có phải showbiz đâu…

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa
TP - Cứ tưởng gã sang chảnh với nghề lắm! Nào ngờ gã so sánh: “Một bức tranh của tôi cũng chỉ mua được một cái lốp ô tô” (tất nhiên cũng là lốp của con “Mẹc” nào đó, chứ không phải của mấy con xe thường được sử dụng làm taxi). Rồi gã đẩy “tính toán” đi xa hơn: “Đó là chưa dám so với giỏ xách xa xỉ của các bà, các cô…”.

Chưa từng thấy họa sỹ nào so sánh tác phẩm của mình với hàng hóa như Đặng Xuân Hòa. Gã còn so giá tranh trước kia với đôi giày Nike. Một đôi giày Nike cũng rút ví của khách 100 đô, còn trước đây, một tác phẩm của gã giá chỉ bằng… nửa đôi giày hoặc có khi hơn nhưng… đã là gì. Một ngày, nhà máy sản xuất bao nhiêu đôi giày, trong khi gã vật vã cả năm cũng chỉ “sản xuất” dăm, bảy “cái”. Như thế, tranh rẻ mạt, chứ sang chảnh gì đâu!

Hỏi giá tranh là đẩy họa sỹ vào thế bí nhất

Đương nhiên, gã thừa biết trên thế giới có những bức tranh trị giá hàng trăm triệu đô. (Theo gã, thế mới là công bằng với nghệ thuật). Song so gì với những tác phẩm thuộc hàng đắt nhất thế giới: “Ta đang sống trong đời sống đương đại, cứ nhăm nhăm tới vĩ đại thì chết. Phải lao động, phải làm việc, phải cống hiến hết mình mới hi vọng người ta bỏ tiền ra sử dụng nó. Cứ ngồi nghĩ viển vông, tôi vĩ đại, tranh tôi nhất thế giới, nhì Đông Dương thì hỏng. Chuyện đó rất lãng mạn nhưng thời kỳ lãng mạn qua lâu rồi”, gã cười, tổng kết.

Tích cực so sánh tranh với nhiều loại hàng hóa khác nhau song đừng hòng Đặng Xuân Hòa chịu tiết lộ con số cụ thể để có thể sở hữu một bức tranh của gã. Cứ loanh quanh đề tài này,  gã nhắc nhở ngay: “Tôi cho cô biết một bí mật của giới họa sỹ. Họa sỹ nào dù có “hoắng” đến mấy nhưng khi hỏi bức tranh này giá bao nhiêu tiền, là ông lại “tắc” ngay. Cô hỏi người ta về giá tranh là đẩy người ta vào thế bí nhất. Vô cùng khó. Nói rẻ quá thì tiếc. Nói đắt quá sợ người ta không mua, hoặc người ta không đủ tiền, hoặc người ta không đủ thích. Cho nên đừng hỏi người ta giá bức tranh thế nào, khi hỏi mà không mua. Hỏi để tham khảo thì hỏi làm gì?”.

Nhưng dù có cố gắng kín tiếng đến đâu, nhiều người vẫn cứ xếp Đặng Xuân Hòa vào danh sách đại gia trong làng hội họa Việt, nhờ bán được nhiều tranh cho… Tây. Cái duyên đưa đàn con tinh thần xuất ngoại của Đặng Xuân Hòa không phải  lời đồn đại, mà có dẫn chứng đàng hoàng: Năm 2008, gã giữ vị trí thứ 12 trong Top 30 nghệ sỹ  đương đại Đông Nam Á có tranh bán giá cao, tổng kết từ hai nhà đấu giá Sotheby và Christie. Top 10 của nhà đấu giá Larasati, phần đấu giá Đông Nam Á đương đại… Thế nhưng, gã cứ lơ những “thành tích” này bằng lí giải: “Lứa chúng tôi ai cũng có duyên đưa tranh xuất ngoại, chẳng riêng gì tôi. Thời những năm 90, bắt đầu mở cửa, cứ vẽ là bán được. Tôi nói thật. Bởi khi đó các gallery đã mở cửa rồi, khách nước ngoài vào, dễ bán lắm. Mà người ta còn bán nhiều hơn tôi, tốt hơn tôi rất nhiều, thậm chí bây giờ cũng thế, chứ chẳng phải riêng thời ấy”.

 Người ta cũng đồn tranh của Đặng Xuân Hòa cũng được nhiều nhân vật quan trọng cả trong và ngoài nước để mắt. Nhưng Đặng Xuân Hòa lại bảo: “Tôi chẳng biết họ quan trọng đến mức độ nào. Tôi chơi với họ như những người bạn. Họ yêu công việc của mình thì mình chơi”. Tôi gặng hỏi: “Thí dụ như nhân vật nào?”. Gã “lẩn” ngay lập tức: “Tôi chẳng nhớ. Lâu quá rồi”. Còn chuyện một số người phong gã là “thủ lĩnh” nọ kia, tán tụng gã trên báo chí, gã cũng không lấy gì làm hãnh diện, thay vì đó thấy ngại ngần. Có người kể rằng, vợ gã, nữ họa sỹ Đỗ  Thúy Hằng, tâm sự: Đã phát hiện gã tài từ khi còn học trong trường Đại học Mỹ thuật. Nên mới lấy làm chồng. Nhắc lại chuyện này, gã bối rối thực sự: “Đồng chí vợ ngượng ghê lắm, phải đính chính suốt. Tôi cũng ngượng. Chúng tôi học cùng nhau, thế thôi. Sinh viên với nhau cả, biết gì đâu, chỉ thấy “đối phương” chăm học là mến”.

Có thể phong tôi là anh hùng lao động

Tính gã vậy, không thích người ta khoác cho chiếc áo lộng lẫy. Cứ để gã tự họa chân dung, là chuẩn nhất: “Tôi là một họa sỹ bình thường. Yêu nghề và hết mình với nghề nghiệp của mình. Cố gắng mỗi ngày đứng trước giá vẽ ít nhất một đến hai, ba tiếng. Tôi là người lao động. Có thể phong tôi là anh hùng lao động được. Vì tôi lao động cật lực. Ngày nào cũng lao động với chính việc của mình, không ngó nghiêng sang việc của người khác. Không đả phá người khác thế nọ, thế  kia. Tôn trọng những nghề nghiệp khác”.

Thăm nhà Đặng Xuân Hòa, ngỡ như lạc vào một bảo tàng thu nhỏ. Góc nào cũng thấy treo tranh, riêng phòng vẽ của gã đã chứa gần 20 bức. Những bức tranh được gã giữ lại thường rơi vào hai trường hợp: Hoặc gã quá thích hoặc gã không thích. “Cái xấu cũng không thể bán”, gã nói. Gã giữ lại những bức từ thời mới ra trường, tức là đến nay bức tranh ấy có tuổi thọ ngót 40 năm. “Những bức đã treo ở đây thì gần như không bán. Nếu bán thì bây giờ chỉ còn tường không”, Đặng Xuân Hòa chia sẻ. “Như vậy, anh thừa nhận tranh của mình rất ăn khách?”, tôi hỏi. Gã đáp: “Không phải tranh tôi ăn khách, mà tôi biết giữ chân khách thì đúng hơn. Tôi không cho họ sở hữu một cách thái quá, để thỉnh thoảng họ còn qua xem”.  Cách bán tranh của gã lại không giống cách thương nhân đẩy hàng hóa của họ đi: “Trả giá cao không quan trọng bằng đối tượng mua với mục đích gì? Họ mua  để làm gì, họ có thích thật sự hay không, qua quá trình tiếp xúc, tôi cảm nhận được. Họ mua để buôn bán khác với họ mua để giữ gìn. Họ trân trọng mình thì khác hẳn chứ? Nếu bán cho họ, hôm sau họ bán đi đâu mất, thì chẳng có ý nghĩa gì”. Đặng Xuân Hòa nhận mình là người bán hàng cẩn thận.

Đã rất, rất lâu, Đặng Xuân Hòa không có triển lãm cá nhân, gã chỉ tham gia triển lãm nhóm. Gã tâm sự: “Làm triển lãm cá nhân rất vất vả. Vất vả bây giờ không phải là tiền bạc nữa mà là vất vả ý tưởng. Cái khó nhất là phải có cái gì mới khoe cho thiên hạ xem, chứ có mỗi bộ quần áo cứ mặc đi mặc lại, thì chết. Nghệ thuật còn phải khắt khe hơn bộ quần áo. Nó là chân dung của mình, bộ mặt của mình”. 

Gã thừa nhận, rất nghiêm túc, khắt khe với chính mình bởi trải qua 60 năm cuộc đời, gã chiêm nghiệm “tất cả những người thất bại, đủ mọi ngành nghề, thường xoay quanh mấy lí do: Lười lao động, hoặc tự thỏa mãn mình quá sớm, hoặc là bị dễ dãi”.  Gã cầm cái bật lửa trên bàn lên rồi nói tiếp: “Như cái bật lửa này, chỉ vài ngàn đồng một chiếc, song cứ thử lao vào sản xuất nó, để cạnh tranh trên thị trường xem. Cũng đủ mệt”. Tật xấu mà Đặng Xuân Hòa biết song không thể cai được, chính là hút thuốc lá. Gã có thói quen sáng tạo về đêm. Ngày thức dậy trễ tràng.  Gã “khai”: “Ban ngày nhiều việc lắm. Những việc lặt vặt trong nhà, rồi ra đường, ngó nghiêng, xem giời đất hôm nay thế nào, cuộc sống ngoài xã hội xôn xao ra sao… Tất cả gợi cho mình cảm xúc sáng tạo”.

Trong gần 40 năm cầm cọ, Đặng Xuân Hòa hình như chưa bao giờ kém sung sức. Tất nhiên, cũng có khi gã mỏi mệt nhưng đều vượt qua, bằng cách chuyển sang làm việc khác, đi chơi, bù khú với bạn bè, cho đến khi năng lượng trở lại. Gã có một thói quen đặc biệt: Cứ phải xem hết chương trình thời sự trên ti vi, rồi mới làm gì thì làm. Gã còn thích xem các chương trình thể thao, như bóng đá, tennis. Dạo trước gã cũng chơi thể thao nhưng nay ngừng, bởi tốn sức, chơi xong, gã mệt, không còn vẽ vời được chi. Đặng Xuân Hòa  không chơi facebook, cũng bởi sợ mất thời gian. Gã là một trong những họa sỹ may mắn khi có một gia đình hạnh phúc, vợ và con gái cùng nghề. Ngay cả trong nghề nghiệp lẫn trong đời sống riêng, theo gã, muốn viên mãn, ngoài nỗ lực của bản thân cũng cần có chút may mắn. Gã nhận, mình có ít nhiều may mắn: “Không may mắn không sống được với nghệ thuật. Bởi nó rất hà khắc, vất vả chẳng kém gì bác nông dân. Đâu phải nhung lụa như bề mặt của tranh”. Có lúc, Đặng Xuân Hòa thấy mình bất tài vô dụng, nhưng gã thấy cần thiết giữ cảm giác ấy để làm động lực vươn tới, “làm trong cảm giác mình thừa sức thì… chán lắm”, gã nói.

Mỹ thuật chứ có phải showbiz đâu… ảnh 1
Mỹ thuật chứ có phải showbiz đâu… ảnh 2

Tác phẩm “Cuộc đời và 12 cung hoàng đạo” -  Đặng Xuân Hòa

Nấu” gì rồi cũng ra “cơm, phở”

Đặng Xuân Hòa cho rằng, họa sỹ Việt không có gì phải lo bản sắc truyền thống mất đi trong sáng tác. “Thời buổi bây giờ toàn cầu hóa rồi, lo sự hội nhập của mình đến đâu thôi. Còn “món” của mình, mình có làm đến đâu thì là người Việt Nam, cũng chỉ thành cơm hoặc phở, chứ không thành bít-tết, khoai tây đâu mà lo.  Tranh càng hiện đại càng tốt. Nhất là họa sỹ trẻ bây giờ, họ thỏa sức làm theo ý mình, ảnh hưởng ai cũng không sao, miễn là tác phẩm của mình thuyết phục được công chúng”.  Không sợ mất gốc song Đặng Xuân Hòa cảnh báo nghệ sỹ trẻ, đừng thô thiển quá trong sự ảnh hưởng: “Suy nghĩ ảnh hưởng của người ta một tí thì được nhưng mang cả suy nghĩ của người ta vào tác phẩm của mình thì hỏng, thành copy ý tưởng. Thời buổi công nghệ số cũng khiến người ta lười lao động bằng thực tế. Người ta cứ xem nhiều, tự dưng ngấm vào mình lúc nào không hay”.

MỚI - NÓNG