Nam Định, Thái Bình bác tin 'ngăn sông cấm chợ'

Thái Bình lập chốt để kiểm dịch, chứ không phải “ngăn sông cấm chợ”. Ảnh: Hoàng Long
Thái Bình lập chốt để kiểm dịch, chứ không phải “ngăn sông cấm chợ”. Ảnh: Hoàng Long
TP - Chiều 4/2, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nam Định khẳng định, thông tin trên một số tờ báo điện tử và trang mạng xã hội về việc Nam Định là một trong 6 tỉnh, thành phố yêu cầu người dân trở về từ các địa phương có ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà trong 14 ngày, đồng thời phải xét nghiệm COVID-19 là chưa chính xác.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nam Định khẳng định, Nam Định vẫn mở cửa đón con em quê hương về quê ăn Tết, thăm thân như bình thường. Tuy nhiên, để phòng chống dịch COVID-19, những người đi qua, đến, lưu trú tại 51 địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo thông báo của Bộ Y tế khi trở về Nam Định phải khai báo y tế với chính quyền địa phương.

Sau đó, căn cứ thông báo của Bộ Y tế về 51 địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao và thời gian cụ thể khi người dân đến, đi qua hoặc lưu trú tại đây, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định sẽ phân loại, có hướng dẫn cụ thể và áp dụng một trong các hình thức cách ly phù hợp như: Cách ly tại cơ sở y tế, tại cơ sở tập trung, tại nhà…

Cụ thể, các trường hợp F1 bắt buộc phải cách ly tại cơ sở y tế để theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm. Những trường hợp trở về từ địa điểm phát hiện bệnh nhân COVID-19 (nơi đang có ổ dịch) sẽ được đưa vào cơ sở cách ly tập trung của tỉnh để theo dõi sức khỏe. Các trường hợp F2 sẽ được hướng dẫn, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú. Còn lại, người dân Nam Định và các tỉnh, thành phố có thể về Nam Định bình thường. 

Ông Hà Tiến Thăng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình, nói rằng, thông tin về việc “người từ vùng có dịch đến Thái Bình, một là cách ly tập trung, 2 là quay đầu” là cách hiểu không chính xác về quan điểm chỉ đạo của tỉnh này. “Vùng dịch (theo cập nhật của Bộ Y tế) nghĩa là những nơi mà dịch bùng phát nhanh, tạo thành ổ dịch. Ví dụ người ra từ một thôn, làng hay xã, phường, thành phố, thị xã đang bị phong toả vì có nhiều ca nhiễm COVID-19 lây lan trong cộng đồng, thì khi về Thái Bình mới phải đi cách ly tập trung, hoặc là quay đầu xe. Còn người dân về quê từ các địa phương không ở trong vùng dịch thì chỉ cần khai báo y tế, lịch trình di chuyển”, ông Thăng giải thích.

Theo ông Thăng, đến nay, tỉnh Thái Bình ghi nhận hơn 8.000 trường hợp nguy cơ trở về từ các địa phương hiện có các ổ dịch, trong đó có hơn 3.600 người về từ Quảng Ninh. Các chốt kiểm dịch đặt ở đầu mối giao thông với các tỉnh lân cận thực hiện phương châm tạo điều kiện tối đa cho người và phương tiện lưu thông trong dịp Tết, không “ngăn sông cấm chợ”.

Thu hồi văn bản yêu cầu người dân cách ly

Ngày 4/2, ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đã thu hồi văn bản yêu cầu người dân đến từ vùng dịch bắt buộc phải cách ly 21 ngày, vì việc xử lý như vậy có nhiều bất cập, dễ gây hiểu nhầm. Trước đó, ngày 3/2, UBND TP Buôn Ma Thuột ra văn bản, yêu cầu các trường hợp đi về từ các tỉnh, thành đã công bố dịch như: Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, TPHCM, Hải Phòng và các trường hợp đi về từ các tỉnh, thành khác có liên quan đến ca bệnh, liên quan đến vùng dịch buộc phải cách ly tại nhà 21 ngày.

Cùng ngày, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, những trường hợp từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh, các huyện Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, Phú Thiện và TP Pleiku và các huyện phát sinh dịch tại tỉnh Gia Lai phải đến trạm y tế gần nhất để khai báo y tế và được hướng dẫn việc thực hiện cách ly tại nhà trong 21 ngày. Người đến từ các địa phương khác như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương… phải đến trạm y tế gần nhất để khai báo y tế và lịch trình di chuyển, tiếp xúc để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Vũ Long
MỚI - NÓNG