Nên có luật về đảng

Nên có luật về đảng
TP - Ngày 19- 2, Hội nghị lấy ý kiến các vị trong Ban thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tổ chức tại Hà Nội.

> Bài ‘Tứ đại ngu": Bạn đọc chia sẻ với ông Dương Trung Quốc
> 'Người như ông Nguyễn Bá Thanh sẽ không chịu bó tay'

Theo PGS-TS Phạm Xuân Hằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, MTTQ Việt Nam được Hiến pháp xác định có vị trí rất quan trọng, “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Nhưng trên thực tế, việc thể chế hóa một số mặt hoạt động của mặt trận chưa sát với vị trí của MTTQ Việt Nam.

Chẳng hạn, về giám sát, các hình thức giám sát được luật định là động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát cùng chính quyền, tổng hợp ý kiến cử tri.

Như vậy, những hoạt động ấy mới chỉ là những hiện tượng “ngoài cuộc”, chưa phải với tư cách chủ thể ủy thác quyền lực, chủ thể có vị trí “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” như Hiến pháp đã quy định.

Ông Phạm Xuân Hằng cho rằng, vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần phải được Hiến pháp quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong điều kiện hệ thống chính trị Việt Nam do một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng lãnh đạo.

Góp ý vào Điều 4, ông Trần Đình Phùng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tán thành cần tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, cần làm rõ hơn vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra; phòng và chống những nguy cơ suy thoái biến chất của cán bộ, đảng viên. Cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong Hiến pháp sửa đổi.

Các ông Hoàng Thái - nguyên ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng nên có luật để Đảng hoạt động công khai, minh bạch, không tùy tiện. Cách thể hiện về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng cần được cân nhắc cho hợp lòng dân.

Tán thành quan điểm Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đề nghị viết thêm: “Nhân dân thực hiện sự giám sát của mình đối với Đảng theo quy định về giám sát xã hội và phản biện xã hội”.

lUBND TP Hà Nội vừa có thông báo xung quanh việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, trong quá trình lấy ý kiến cần tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, các nhân sỹ, trí thức gắn với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thành phố cũng đề nghị Ủy ban MTTQ TP và các đoàn thể trực thuộc tham gia các Hội thảo chuyên đề về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngoài các hội nghị lấy ý kiến đóng góp theo kế hoạch của thành phố, khuyến khích các ngành, các cấp tổ chức các hình thức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG