Người Tiền Phong một thuở, một thời - Kỳ cuối: Vào Hội ở tuổi bảy tư

Thẻ căn cước do Nha Cảnh sát và Công an Phủ Thủ Hiến Bắc Việt cấp cho Hoàng Đính Tầm (tên giả của Lê Văn Ba)
Thẻ căn cước do Nha Cảnh sát và Công an Phủ Thủ Hiến Bắc Việt cấp cho Hoàng Đính Tầm (tên giả của Lê Văn Ba)
TP - Có lẽ Hội Nhà văn Việt Nam mới đây có 2 ca lạ. Thi sĩ Việt Phương năm 2010 trở thành hội viên ở tuổi 82. Và nhà viết biên khảo, hồi ức Lê Văn Ba năm 2008 được kết nạp vào Hội ở tuổi 74.

Vào thời điểm những năm giữa bảy mươi, trong căn phòng trên gác 3 Tòa soạn báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội những phóng viên trẻ Dương Xuân Nam, Hoàng Sơn và cả người viết bài này không thể ngờ được ông Trưởng ban Công nghiệp ngồi chỗ góc phòng kia từng phải ngồi nhà tù Hỏa Lò hơn 1 năm trời. Vâng ông là Lê Văn Ba.

Mãi sau này mới hay Lê Văn Ba quê Mễ Sở Văn Giang, Hưng Yên, mồ côi mẹ từ năm lên 8 tuổi, được bà chị của bố (là vợ GS Dương Quảng Hàm) đưa lên Hà Nội nuôi ăn học.

Và nếu biết được chi tiết này có lẽ các ban viên Xuân Nam lẫn Hoàng Sơn cũng chả phải e ngại việc làm thơ, viết lách ngoài luồng của mình khi bị ông Trưởng ban Lê Văn Ba bắt gặp. Chi tiết ấy là năm 15 tuổi, được giác ngộ cậu bé Trần Khắc Cần có tên bí danh là Lê Văn Ba. Lê Văn Ba đã có những bài báo cả truyện ngắn in trên mấy tờ báo ở Hà Nội thời tạm chiếm.

Ngoài viết báo, Lê Văn Ba còn bí mật tham gia làm tờ báo Nhựa Sống (tổ chức bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội) từ A đến X khoảng đầu năm 1950. Nghĩa là từ viết bài, đánh máy, trình bày trang trên giấy nến để chuyển cho khâu in rô nê ô. Vì thế nên cánh chúng tôi phục lẫn ngại làm sao cái ông Trưởng ban này lại rành rẽ khâu kỹ thuật làm báo lẫn nhà in như thế?
Hỏi làm sao anh lại bị bắt? Ông Trưởng ban cười. Được tham gia hoạt động khoái lắm, cũng giống khi người ta mới yêu ấy mà. Khó giấu được. Vì sơ suất nên lộ.

Hơn một năm ở nhà ngục Hỏa Lò, cậu bé Lê Văn Ba cũng nếm đủ ngón đòn. Chẳng moi được gì hơn, Lê Văn Ba được tạm tha để chờ xử. Liền ngay khi ấy, tổ chức bí mật bố trí cho Lê Văn Ba ra vùng tự do.

Đưa tôi coi ảnh chụp tờ báo Tiên Phong số đặc biệt Chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô của Đoàn thanh niên Cứu quốc thành phố Hà Nội, anh cho biết thêm khi ra vùng tự do ở phía Nam Hòa Bình rồi Chi Nê Nho Quan được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị một thời gian. Cuối 1953, Lê Văn Ba lại được tung vào Hà Nội.  Vẫn tiếp tục việc làm báo bí mật trong đó có tờ Tiên Phong  cơ quan tranh đấu của nam nữ thanh niên Hà Nội. Và tờ Tiên Phong số đặc biệt ra đúng ngày 10/10/1954 do một tay Lê Văn Ba đảm nhiệm tự viết bài, đặt bài, nhờ minh họa, đánh máy lẫn trình bày.

Sau 1954 có nhiều ngả rẽ công tác, nhưng Lê Văn Ba chỉ khoái làm báo. Từ cái duyên Tiên Phong đến Tiền Phong  Lê Văn Ba phải mất 4 năm làm thông tín viên cho Tiền Phong. Đúng ngày 7/3/1958 anh chính thức đến nhận việc tại báo Tiền Phong.

Khi lứa chúng tôi về, nhà báo Lê Văn Ba đã gần 20 năm ở cơ quan ngôn luận của T.Ư của Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam. Anh vỡ vạc cho chúng tôi đặc thù của cái anh làm báo Đoàn ra sao. Trong cái chung nghiệp vụ báo chí có cái riêng của báo Đoàn như thế nào.

Hẳn chúng tôi hồi đó còn mù mờ, không tường lắm những tôn chỉ này khác nên có bài viết lắm khi phải trầy trật viết đi viết lại ba, bốn lần. Trưởng ban Lê Văn Ba hăng hái dẫn lính của mình  những Xuân Nam và tôi đi các ngành mỏ, xây dựng, cơ khí, tiểu thủ công nghiệp… để tập làm quen để có kiến thức mà viết bài. Anh cũng tập cho chúng tôi bập vào mảng chống tiêu cực, tham nhũng  qua một loạt bài của Ban Công nghiệp khi ấy mà anh là chủ công khiến Tiền Phong nổi tiếng trong làng báo như Chúng tham ô và ăn cắp. Chuyện tiêu cực ở Công ty xây dựng số I… Anh cũng biết biến báo với Ban biên tập những lếch thếch nhiêu khê của cái anh vợ con ở xa, chuyện thường xuyên vắng mặt như tôi để có cơ được bình xét là lao động tiên tiến.

 Lê Văn Ba nổi trội bất ngờ trong mặt bằng viết lách thời Những việc cần làm ngay với truyện ngắn Người đàn bà quỳ trên báo Văn Nghệ với cái tên Trần Khắc. Vẫn cái mạch đấu tranh chống tiêu cực nhưng ở một tầm cấp sang trọng và hiệu ứng khủng hơn? Người ta vẫn nói có nhà thơ một bài, thì vẫn có nhà văn với một truyện ngắn chứ nhỉ?

Rồi chuyện anh chuyển từ Tiền Phong sang Đại Đoàn kết và sau đó là Phó TBT Người Cao Tuổi. Thôi cũng mừng cho cái lò Tiền Phong biết ươm mầm cán bộ. Nhưng phải chi anh Ba sớm hơn biết trang trải, biết chi phí hợp lý cái quỹ thời gian vào thứ việc mà anh sau này cho là cái thú, là niềm say mê cuối đời tạm gọi là việc biên khảo, hồi ức.  Trong giới văn bút bây giờ, đương quá hiếm những người gánh việc ấy?  Một thứ việc mà nó chọn người chứ người viết chả thể chọn đề tài mảng miếng ấy được.

Ký ức tuổi hoa niên nằm khám Hỏa Lò. Hồi ức thời làm báo trong vùng tạm chiếm. Những thứ ấy cộng với rung cảm nhân văn trời cho đã vụt biến nhà báo Lê Văn Ba từng năm tao bảy tiết tất tả với thứ thông tấn cùng hành chánh sự vụ ở những Tiền Phong, Đại Đoàn kết, Người Cao Tuổi thành một nhà văn hóa lịch lãm tinh tế. Dẫu muộn nhưng may trời còn thương cho cái sức khỏe và bạn đọc may mắn lần lượt có được  gần chục đầu sách tày tặn bắt mắt của Lê Văn Ba. Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò.

Thơ văn trong nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò trường học yêu nước và cách mạng. Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược… Lê Văn Ba như thứ từ điển sống về văn hóa Hà Nội. Những biên khảo người và việc của một giai đoạn riêng có, đặc thù của Hà Nội. Ngồi với ông thấy xót tiếc cho mấy ngàn trang bản thảo của một Tổng tập có tên Văn học nghệ thuật Hà Nội 1950-1954.

Xót tiếc bởi mười năm trước các nhà văn Hoàng Công Khanh, Giang Quân, Vân Long, Kiều Liên Sơn, Lê Văn Ba, Hoài Việt đã ngồi với nhau thẫn thờ ký vào một biên bản nhất trí giao bản thảo cho nhà văn Lê Văn Ba giữ vì bản thảo đã chuẩn bị xong cho cuốn Tổng tập nhưng không in được vì chưa có tiền! Vâng thiếu đi lát cắt một tổng tập Hà Nội như đang hổng hoác trống vắng của một sự bày biện tiếp nối cần thiết.

Như cái chương trong bản thảo có tên kẻ đi người ở viết về hàng chục văn sĩ Hà thành bỏ đi Nam năm 1954 mà tôi đương đọc đây chẳng hạn?    

Lê Văn Ba nổi trội bất ngờ trong mặt bằng viết lách thời Những việc cần làm ngay với truyện ngắn Người đàn bà quỳ trên báo Văn Nghệ với cái tên Trần Khắc. Vẫn cái mạch đấu tranh chống tiêu cực nhưng ở một tầm cấp sang trọng và hiệu ứng khủng hơn? Người ta vẫn nói có nhà thơ một bài, thì vẫn có nhà văn với một truyện ngắn chứ nhỉ?

Người Tiền Phong một thuở, một thời - Kỳ cuối: Vào Hội ở tuổi bảy tư ảnh 1 Chân dung Lê Văn Ba 
MỚI - NÓNG