Đại biểu Quốc hội

'Nhiều cán bộ rất tâm tư sau sáp nhập'

ĐBQH Phạm Văn Hòa
ĐBQH Phạm Văn Hòa
TPO - “Nhiều người tâm tư lắm sau khi sáp nhập văn phòng. Đang làm nhiều năm rồi, nhưng sau sáp nhập lại trở thành chuyên viên, đưa người khác về làm trưởng phòng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu băn khoăn khi Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngày 30/9.

Liên quan đến bộ máy giúp việc, đại biểu Phan Thái Bình, Phó đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quảng Nam cho rằng, hiện nay chúng ta đang tiến hành thí điểm việc sáp nhập ba văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND ở 12 tỉnh, thành phố. Theo ông Bình, nguyên tắc đầu tiên là đã có Nghị quyết của Quốc hội thì phải tổng kết, đánh giá xem mô hình nào thực sự hiệu quả. Đặc biệt cần lắng nghe 12 địa phương thí điểm để từ đó đưa ra hướng sửa đổi đúng đắn.

“Yêu cầu tổ chức bộ máy tinh gọn thì rất đúng nhưng cũng phải bảo đảm phù hợp với đòi hỏi thực tế. Hội thảo vừa rồi ở Cần Thơ, nhiều người tâm tư vì sắp về hưu rồi mà có trường hợp đang từ trưởng phòng chuyển thành chuyên viên, không biết ghi lý lịch như thế nào. Sáp nhập phải trên hiệu quả thực tế như thế nào, nên phải đánh giá dựa trên số liệu cụ thể”, ông Bình nêu.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng chia sẻ những tâm tư của các chuyên viên khi sáp nhập các văn phòng.

Theo ông Hòa, tại 12 tỉnh, thành phố thí điểm sáp nhập ba văn phòng đang có tình trạng Trưởng Phòng Công tác đại biểu Quốc hội không phải cán bộ, chuyên viên phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, mà được điều chuyển từ chức danh Trưởng phòng của Văn phòng HĐND, UBND cấp tỉnh sang.

“Anh em mình làm nhiều năm rồi, nhưng sau sáp nhập lại trở thành chuyên viên. Đang làm quen nhưng lại đưa người khác về làm trưởng phòng, trong khi lãnh đạo cấp phòng mới chưa chắc đã có trình độ tương đương hay cao hơn người đang làm”, ông Hòa đề nghị khi sửa Luật Tổ chức Quốc hội cần làm rõ vị trí, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội, vì hiện vẫn còn đang "lưng lửng, trung ương và địa phương cùng quản, nhưng hỏi ở đâu không ai trả lời được".

“Anh không chất vấn tôi, tôi không chất vấn anh”

Viện dẫn chức vụ Phó Đoàn đại biểu Quốc hội ở vị trí “đầu không đội trời, chân không chạm đất”, ông Hòa cho biết, phần lớn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội được Trưởng đoàn giao cho ông thực hiện, nhưng chỉ giao miệng.

“Trong mỗi Ủy ban của Quốc hội, nhiệm vụ, chức năng của mỗi chức danh trong Thường trực đều được quy định rõ, nhưng trong Đoàn đại biểu Quốc hội lại không phân công cụ thể vị trí, vai trò của Phó đoàn đại biểu Quốc hội. Cần quy định cụ thể vị trí của Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để nâng cao hiệu quả hoạt động”, ông Hòa nhấn mạnh.

Phó đoàn Đồng Tháp cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách, giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm để hoạt động cho hiệu quả. “Ở địa phương, Giám đốc Sở, ngành này không chất vấn Giám đốc Sở, ngành khác. Họ có suy nghĩ, mặc nhiên thừa nhận với nhau, anh không chất vấn tôi, tôi không chất vấn anh”, ông Hòa cho hay.

MỚI - NÓNG