Những thiên thần bị bỏ rơi: Ước mơ đoàn tụ gia đình

Anh Huỳnh Thiên Lý dạy chữ cho các em khuyết tật
Anh Huỳnh Thiên Lý dạy chữ cho các em khuyết tật
TP - Những đứa trẻ ngày xưa từng bị bỏ rơi nay đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định vẫn luôn khát khao một ngày nào đó được gặp lại đấng sinh thành. 

Ước mong gặp mẹ cha 

 Trong cơn mua phùn lất phất, chúng tôi tìm đến Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TPHCM), nơi đang nuôi dưỡng, quản lý gần 200 trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.


Trong căn phòng hỗ trợ vận động, dạy chữ cho các trẻ khuyết tật, anh Huỳnh Thiên Lý (37 tuổi) cần mẫn hướng dẫn các em nhỏ từng động tác thể dục. Sau khi tập, anh Lý dạy toán, viết chữ…cho các bé. “Có em bị thiểu năng trí tuệ, có em bị bệnh Down… nhưng các em đều rất chăm ngoan, cố gắng thực hiện các bài học trên lớp. Tôi thương các em như chính người thân của mình” - anh Lý tâm sự.


Anh Lý là trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Anh bảo, chẳng biết cha mẹ mình là ai, chỉ biết các cô nuôi dưỡng kể, họ nhận nuôi anh từ Bệnh viện Nhi đồng 1, lúc ấy Lý chỉ mới vài tháng tuổi. 
“Mình mồ côi, lại bị tật ở tay nên đi học thường bị bạn bè trêu chọc. Lúc nhỏ không biết gì, nhưng càng lớn càng tủi thân. Nhất là mỗi khi thấy các bạn có cha mẹ đưa đón, được nâng niu chăm sóc… mình ước gì cũng được như vậy. Từ thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, tôi dần khép mình, lúc nào cũng lủi thủi một mình và chẳng chơi với ai. May mắn, tôi luôn có các dì, các mẹ ở trung tâm yêu thương nên sau này không còn thấy buồn nữa. Cuộc sống càng khó khăn, càng thiếu thốn thì tôi tự nhủ mình như cái cây, càng phải vươn lên” - anh Lý bày tỏ. Anh Lý hiện đã tốt nghiệp Đại học ngành Công tác Xã hội, đang công tác ở Phòng giáo dục về hỗ trợ các giáo viên dạy cho các em khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Gò Vấp.

Những thiên thần bị bỏ rơi: Ước mơ đoàn tụ gia đình ảnh 1 Giấy khai sinh trống thông tin nhưng là vật quý giá của anh Nguyễn Văn Thanh (ngoài cùng)


Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thanh (36 tuổi) - nhân viên Trung tâm, vẫn giữ khư khư tấm giấy khai sinh được gấp cẩn thận mấy chục năm qua. Lần mở tờ giấy khai sinh, ngoài nơi đưa anh Thanh đến Trung tâm là Bệnh viện Nhi đồng 1, những chỗ dành để điền tên cha mẹ, quê quán... đều bỏ trống. “Giấy khai sinh là bằng chứng duy nhất để cha mẹ có thể tìm tôi. Tuy không có nhiều thông tin, tôi cũng không biết quê quán mình ở đâu, cha mẹ là ai nhưng tôi có linh cảm một ngày nào đó không xa, tôi sẽ gặp được họ” - anh Thanh kỳ vọng.
Cũng như anh Thanh, anh Lý cũng không biết quê quán, mẹ cha… Vì vậy việc tìm về cội nguồn khó như “mò kim đáy bể”. Anh Thanh nghẹn ngào trải lòng: “Tôi luôn tự hỏi tại sao cha mẹ lại bỏ rơi tôi, một đứa con khuyết tật, đáng lẽ cần được yêu thương, chăm sóc nhiều hơn thì họ lại bỏ rơi tôi. Nhưng giờ tôi không còn oán trách họ nữa, bởi tôi nghĩ phải có lý do gì đó, mẹ mình mới quyết định như vậy. “Hổ dữ còn không ăn thịt con”, cha mẹ cũng không phải tự nhiên lại bỏ rơi mình như thế”.


Yêu thương nhiều hơn

 Tranh thủ giờ nghỉ trưa, Trần Văn Hùng (22 tuổi) - sinh viên ngành Công tác Xã hội trường Đại học Tôn Đức Thắng bật máy vi tính, tự học các ứng dụng mới. “Ước mơ của em là sau này trở thành thầy giáo dạy vi tính, dạy cho các em khuyết tật có hoàn cảnh giống mình” - Hùng chia sẻ.
Hùng cũng là trẻ mồ côi được Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp tiếp nhận, chăm sóc từ khi mới vài tháng tuổi. Hùng tâm sự, dù mồ côi nhưng cậu không cô đơn, vì ở đây nhận được nhiều tình yêu thương của các thầy cô, các dì, mẹ. Bên cạnh còn có những người bạn đồng cảnh ngộ… Họ chính là gia đình, là người thân của Hùng. Chàng trai trẻ thổ lộ: “Tôi rất vui và cảm thấy may mắn khi được lớn lên trong ngôi nhà lớn này. Tôi muốn yêu thương nhiều hơn, muốn được chăm lo, giúp các em nhỏ cũng bị cha mẹ bỏ rơi, các em có số phận kém may mắn”. 


Đa số những người từng bị bỏ rơi nay đã nên người đều khẳng định rất mong sẽ có cơ hội được gặp lại cha mẹ. Gặp không phải để chất vấn, để tra hỏi lý do bỏ rơi con, để biết cha mẹ của mình; để cảm nhận được tình yêu thương máu mủ; để có cơ hội được quan tâm chăm sóc… Và hơn hết, họ muốn báo hiếu những người đã sinh ra mình trên đời.


“Tôi đã đăng ký nhiều chương trình tìm người thân trên truyền hình, hy vọng ba mẹ xem thấy câu chuyện của mình sẽ có thể tìm được. Nhưng ngặt nỗi, thông tin của mình chẳng có gì ngoài bệnh viện tiếp nhận rồi đưa về Trung tâm. Ngay cả quê quán, địa phương của mình cũng không có nên nhà đài yêu cầu bổ sung thông tin, mình chẳng có. Thế là tới nay vẫn chưa được ghi hình” - anh Thanh nói trong tiếc nuối.


Chị Đặng Thị Kim Loan - nhân viên Phòng tổ chức hành chính Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp cho biết, 14 năm công tác, chị đã thực hiện công tác tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em bị bỏ rơi được đưa đến đây. Có trẻ bị bỏ rơi ngay trước cổng trung tâm, có trẻ được các bệnh viện đưa đến. Ở đây còn có nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn, được cha mẹ gửi nhờ Trung tâm chăm sóc, sau đó không thấy họ quay lại thăm nom, nhiều năm không đến đón. Vậy là các em gia nhập vào danh sách trẻ bị bỏ rơi.


“Đa số các em được nuôi dưỡng tại Trung tâm đều bị khuyết tật và bệnh nặng. Các em sinh ra đã có số phận không may mắn, lại bị chính cha mẹ mình bỏ rơi càng đáng thương hơn. Các cô ở đây dành nhiều tình yêu thương cho các em, nhưng dù gì đi nữa cũng không thể sánh bằng tình mẫu tử. Do đó, nói cách nào đi chăng nữa, các em vẫn thấy thiếu thốn tình cảm” - chị Loan trần tình.


Theo chị Loan, đa số các em mồ côi, bị bỏ rơi tại Trung tâm đều không có người thân trở lại tìm. Hiếm hoi, có một - hai trường hợp đón con, cả trung tâm mừng rơi nước mắt. Các cán bộ tranh thủ làm hồ sơ, thủ tục thuận lợi nhất để các em được về với gia đình.
Chia tay Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, dưới sân nhà, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng ê a tập đánh vần, đọc chữ của các em bị khuyết tật được Trung tâm nuôi dưỡng. Nhiều em, những tiếng bập bẹ đầu đời “cha”, “mẹ” có khi chưa được nói lần nào, hơi ấm từ vòng tay tình mẫu tử cũng chưa một lần cảm nhận nhưng chẳng ai trách cứ người đã bỏ rơi mình. 
Ở phương xa nào đó, anh Lý, anh Thanh, hay Hùng vẫn mong cha mẹ mình khỏe mạnh, hạnh phúc. “Ít ra, tụi mình vẫn còn may mắn vì được sinh ra trong cuộc đời này, chứ không phải bị tước đoạt cuộc sống ngay khi mới tượng hình” - anh Thanh thổ lộ.

Theo chị Loan, đa số các em mồ côi, bị bỏ rơi tại Trung tâm đều không có người thân trở lại tìm. Hiếm hoi, có một - hai trường hợp đón con, cả trung tâm mừng rơi nước mắt. Các cán bộ tranh thủ làm hồ sơ, thủ tục thuận lợi nhất để các em được về với gia đình.



MỚI - NÓNG