Nước sông Đà cấp cho Hà Nội nhiễm styren: Khuyến cáo không dùng để ăn, uống

Kênh dẫn nước vào nhà máy nước sông Ðà nồng nặc mùi khét và lẫn cả dầu nhớt. Ảnh: Cao Nguyên
Kênh dẫn nước vào nhà máy nước sông Ðà nồng nặc mùi khét và lẫn cả dầu nhớt. Ảnh: Cao Nguyên
TP - UBND thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân không sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Ðông cung cấp để nấu ăn, uống..., trong thời gian chưa súc xả, thau toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp. Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị điều tra hành vi thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Cty nước Sông Ðà.

Hàm lượng Styren vượt giới hạn từ 1,3 đến 3,65 lần

Chiều 15/10, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thông tin kết quả xác minh nội dung phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí về nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… có mùi khét nồng nặc, có váng dầu trong những ngày qua. Cụ thể, theo ông Dục, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi thuộc xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm.

Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài, là hồ chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà thuộc Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco). Một số cán bộ của Viwasupco phát hiện việc này từ sáng 8/10, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội.

Cty cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Cũng theo ông Dục, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của thành phố theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 01:2009/BYT xác định, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần. Nước tại các vòi của hộ gia đình, hàm lượng styren thấp hơn so với tại nhà máy và các điểm chứa trung gian. Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt.

Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi “khét” có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN).

Từ các kết quả ban đầu của việc kiểm tra, UBND thành phố Hà Nội khuyến cáo trong thời gian trước mắt, khi Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà chưa súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, mọi người dân có sử dụng nước thuộc vùng do Cty Cổ phần Viwaco, Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông - 2 doanh nghiệp phân phối nước cho Viwasupco cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.

Để cung cấp kịp thời nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng, UBND thành phố bố trí các xe téc của Cty Nước sạch Hà Nội túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu.

Vì sao Cty không dừng cấp nước?

Tại hội nghị, lãnh đạo Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà nhận được nhiều câu hỏi, chất vấn của phóng viên về sự cố ô nhiễm nguồn nước. Trả lời về việc không thông báo cho cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà nói có công văn báo cáo công an và Tỉnh ủy Hòa Bình về việc này vì địa bàn thuộc Hòa Bình. Ông Tốn cũng cho biết, báo cáo sự việc ngày 10/10 vì những ngày trước đó, tất cả công nhân viên kể cả văn thư, kế toán phải tập trung vớt dầu.

Cty cũng xét nghiệm các chỉ số giám sát nước độ A, cho kết quả mùi vị bình thường nên vẫn cho tiếp tục sản xuất, xử lý. “Đêm 9/10, Cty đã súc xả tuyến ống khoảng 10km và tràn bể chứa. Sau đó đến ngày 10/10, Cty nhận được phản ánh của khách hàng, báo chí về hiện tượng mùi nên cho cán bộ phòng thí nghiệm đi kiểm tra. Thực ra, nước ra nhà máy vẫn đảm bảo, còn mùi có thể là do mùi clo. Kể cả ngày 11/10, liên ngành lên kiểm tra, có cả báo chí tham gia, trên nhà máy cũng có mùi”, ông Tốn nói.

Về lý do tại sao Cty không dừng cấp nước, ông Tốn nói: “Thực ra lúc bấy giờ, với thâm tâm của tôi 80% là dừng cấp nước. Vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề... Nhưng tại sao vẫn cấp nước, vì đến ngày 10/10, tôi yêu cầu xét nghiệm, nội kiểm chỉ tiêu giám sát nước độ A không vấn đề gì. Cty tham khảo một số chuyên gia, họ khuyến cáo, phản biện rằng bây giờ anh cắt nước thì lý do gì cắt nước, anh bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu, trong khi kết quả kiểm tra của anh vẫn đảm bảo.  

Cty cấp tốc lấy mẫu nước đi kiểm tra chỉ tiêu C, bình thường mất 10 - 20 ngày mới có kết quả. Lúc bấy giờ, lấy cớ gì để dừng cấp nước. Thực ra nước sông Đà cấp cho nhiều người dân nên ảnh hưởng nhiều nếu mất nước. Người dân mất nước sinh hoạt mà họ không biết vì sao thì không được. Tôi cũng tham khảo ý kiến chuyên gia và phản biện như thế nên tiếp tục cấp nước”, ông Tốn giải trình.

Về câu hỏi của PV Tiền Phong, trách nhiệm liên quan việc biết nước nhiễm dầu vẫn cấp nước bán cho dân... ông Tốn thừa nhận, đây là lần đầu tiên gặp sự cố dạng này. “Thực ra trong dây chuyền có một máng hớt váng, công nghệ xử lý được cái này không thì không dám chắc vì lần đầu tiên xảy ra. Cty cũng không lấy nước ô nhiễm xử lý vì đã khoanh vùng xử lý, nước đó là bình thường”, ông Tốn lý giải.

Ông Tốn bày tỏ mong muốn được thông cảm với lý do Cty không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. “Trong 10 năm phục vụ người dân Thủ đô, đặt sức khỏe người dân, chất lượng nước lên trên hết. Qua đây chúng tôi cũng rút kinh nghiệm. Nhiều khi Cty cũng không phản ánh kịp thời, giải thích cho người dân hiểu”, ông Tốn nói, đồng thời “xin lỗi” khách hàng.

Thủ tướng yêu cầu điều tra nguyên nhân

Theo nguồn tin của Tiền Phong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo  điều tra nguyên nhân, làm rõ việc cung cấp nước sạch không đảm bảo chất lượng từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, xử lý nghiêm vi phạm. Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Hà Nội và tỉnh Hoà Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực Tây Nam Hà Nội;

Các bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường cùng địa phương kiểm tra tình hình hoạt động các nhà máy nước sạch trong cả nước, đảm bảo nguồn nước an toàn phục vụ nhân dân.

Các đơn vị báo cáo Thủ tướng tiến độ thực hiện nhiệm vụ trước 25/10.                P.V

Kiến nghị công an điều tra hành vi thiếu trách nhiệm

UBND thành phố Hà Nội có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình về sự cố ô nhiễm nước sạch sông Ðà, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tổ chức điều tra làm rõ hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi ở xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cũng như hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Cty Cổ phần Ðầu tư nước sạch sông Ðà khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải nhưng không ngăn chặn kịp thời dẫn đến sự cố ô nhiễm toàn bộ hệ thống cung cấp nước cho người dân tại quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Ðông để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Styren độc hại như thế nào?

Styren có trong danh mục các chỉ tiêu phải xét nghiệm định kỳ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế, thuộc vị trí thứ 46, nhóm hydrocacbua thơm, nồng độ cho phép tối đa là 20 microgam/lít.

Chất này thuộc mức độ giám sát C, bắt buộc phải xét nghiệm ít nhất 1 lần/2 năm do cơ sở cung cấp nước thực hiện và kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 1 lần/2 năm do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Theo chuyên gia hóa chất Ðỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và An toàn hóa chất (Hội Hóa học Việt Nam), styren là chất độc, có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, cần xác định hàm lượng là bao nhiêu.

Chuyên gia này cũng nhận định ngoài styren, trong nước nhiễm dầu thải có thể còn những chất khác và việc xử lý nước nhiễm styren là vấn đề rất khó khăn.

Theo ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, các nghiên cứu trên cả người và động vật cho thấy phơi nhiễm styren gây tổn thương các tế bào bạch cầu làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu hoặc u lympho, ung thư thực quản và ung thư tuyến tụy. Styren là hóa chất được sử dụng khá phổ biến để sản xuất các sản phẩm như cao su, chất dẻo, chất cách điện, sợi thủy tinh, hộp đựng thức ăn.         

NGUYỄN HOÀI

Nước sông Đà cấp cho Hà Nội nhiễm styren: Khuyến cáo không dùng để ăn, uống ảnh 1 Dòng kênh dẫn nước vào Nhà máy nước sông Ðà đen đục. Ảnh: Mạnh Thắng
MỚI - NÓNG