Ông Diệp Dũng xin từ chức Chủ tịch Saigon Co.op

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op. Ảnh: Pháp luật TP HCM.
Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op. Ảnh: Pháp luật TP HCM.
Ông Diệp Dũng gửi đơn đến Thường trực Thành ủy TPHCM xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op vì "chưa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao".
"Đơn của ông Dũng sẽ được giải quyết theo quy trình, khoảng một hai tuần có kết quả, sau đó thông tin sẽ được cung cấp cho báo chí", một lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM cho biết sáng 27/8.

Theo đơn xin từ nhiệm, ông Dũng (Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM - Saigon Co.op) cho rằng 5 năm qua (2015 - 2020), Saigon Co.op có kết quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện vai trò bình ổn giá của thành phố tương đối tốt, nhưng ông thấy mình "chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trên giao".

Từ đó, ông Dũng đưa ra hai lý do xin từ nhiệm: chưa hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu Saigon Co.op được tổ chức giao phó, đặc biệt đối với việc tăng vốn điều lệ, dẫn đến hàng loạt vấn đề không hay xảy ra vừa qua; chưa hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu trong đoàn kết và lãnh đạo tập thể Ban chấp hành Đảng ủy Saigon Co.op.

Hôm 27/7, ông Diệp Dũng bị Ban Thường vụ Thành ủy thành phố đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, các vai trò Ban chấp hành, Ban thường vụ và Bí thư Đảng ủy tại Đảng bộ Saigon Co.op.

Trước đó một ngày, Thanh tra thành phố công bố kết luận có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng vào đầu năm 2020 tại Saigon Co.op và đề nghị UBND thành phố chuyển hồ sơ sang công an để điều tra.

Cụ thể, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ đồng.

Các hợp tác xã lợi nhuận ít nhưng góp vốn lớn cho biết đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân ngoài hợp tác xã. Điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op.

Theo cơ quan thanh tra, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Các sai phạm tại Saigon Co.op theo cơ quan Thanh tra thuộc về HĐQT, Thành viên liên hiệp, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại Saigon Co.op qua các thời kỳ.

Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố. Đến năm 1998, đơn vị này đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM với 20 hợp tác xã thành viên.

Từ khi thành lập đến nay, Saigon Co.op 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Đến nay Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trong cả nước.

Ông Dũng 52 tuổi, quê Kiên Giang, được Thành ủy TP HCM chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020 và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op từ cuối tháng 8/2015.

Trước đó, ông Dũng làm Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐTV Công ty Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC); Phó tổng giám đốc thường trực Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Long Hậu giai đoạn 2002-2010.

Theo Theo VNEXPRESS
MỚI - NÓNG