PGĐ Sở Giáo dục 'phê bình' người chất vấn Bộ trưởng Nhạ

TPO - Việc Phó Giám đốc Sở GĐ-ĐT Đắk Lắk dùng quyền tranh luận để “phê” đại biểu “có phát biểu thiếu tích cực đối với ngành giáo dục” bị đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho là không phù hợp.
PGĐ Sở Giáo dục 'phê bình' người chất vấn Bộ trưởng Nhạ ảnh 1

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (phải) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Ông Nghĩa đề nghị xây dựng văn hoá nghị trường, tôn trọng lẫn nhau, không quy chụp động cơ của ĐBQH này hay ĐBQH khác.

Nguồn cơn của cuộc tranh luận “nóng” này bắt nguồn từ việc ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về quy định “sinh viên bán dâm bị đuổi học” trong dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên.

Sau khi Bộ trưởng Nhạ trả lời rằng “khi sửa thông tư thì ban soạn thảo, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa dự thảo lên website dẫn đến phản ứng của xã hội”. ĐB Hiền đã sử dụng quyền tranh luận để bày tỏ sự không hài lòng với phần trả lời trên.

"Tôi hỏi vai trò của người đứng đầu, nhưng không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà chuyển cho một cá nhân khác. Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, nhận ra năng lực quản trị của bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục có vấn đề, có hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục", bà Hiền nói và mong muốn "Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né, tác động để có giải pháp tích cực hơn cho ngành giáo dục trong thời gian tới".

PGĐ Sở Giáo dục 'phê bình' người chất vấn Bộ trưởng Nhạ ảnh 2 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân (ảnh Như Ý)

Không đồng tình với phát biểu của ĐB Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, phát biểu như trên của đại biểu tại nghị trường tác động đến dư luận xã hội có thêm cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành giáo dục. Hơn nữa, có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo, tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh và xã hội đối với nền giáo dục nước nhà.

Bà Xuân cho rằng cần có những đánh giá nỗ lực kết quả của ngành giáo dục bên cạnh một số hạn chế của ngành để có được một cái nhìn khách quan và toàn diện. “Không thể phủ nhận, cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của nước ta không ngừng được nâng cao. Mặt bằng trình độ dân trí tăng lên, năng suất lao động được cải thiện. Người Việt Nam có khả năng hội nhập tốt với thế giới”, bà Xuân cho biết.

PGĐ Sở Giáo dục 'phê bình' người chất vấn Bộ trưởng Nhạ ảnh 3  ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - TP.Hồ Chí Minh

Sử dụng quyền tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ sự không hài lòng với phát biểu của bà Xuân. Theo ông Nghĩa, các đại biểu đang tiến hành chất vấn và đối tượng trả lời là các bộ trưởng. “Các bộ trưởng, họ có đủ trình độ, năng lực để trả lời các câu hỏi mà đại biểu đặt ra. Cử tri cũng muốn nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn nên đề nghị tôn trọng quyền của ĐB”, ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, các ĐBQH tranh luận với nhau là rất tốt, nhưng tranh luận thì đề nghị không lên gân và quy chụp lẫn nhau. “Vừa rồi trên mạng xã hội có hiện tượng quy chụp một số ĐBQH. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần xây dựng văn hoá nghị trường đặt lợi ích của nhân dân lên trước, tôn trọng lẫn nhau, không quy chụp động cơ của ĐBQH này hay ĐBQH khác”, ông Nghĩa đề nghị.

MỚI - NÓNG