Phá bỏ nhà vệ sinh 1,6 tỷ vì hàng ‘dởm’ không thể sử dụng

Phá bỏ nhà vệ sinh 1,6 tỷ vì hàng ‘dởm’ không thể sử dụng
TPO - Một công trình nhà vệ sinh được cho là thông minh chỉ mới đưa vào sử dụng đã bị đập bỏ. Nhiều người cho rằng quá lãng phí. Tuy nhiên, ban trị sự chùa Bà Thiên hậu cho rằng, công trình không thể sử dụng nên buộc miễn cưỡng phá bỏ.

Ngày 18/11, Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) chính thức lên tiếng về việc phá bỏ một nhà vệ sinh khi vừa đưa vào sử dụng để xây mới một công trình khác tương tự. Lý do đưa ra là nhà vệ sinh cũ được giới thiệu là "thông minh" nhưng không đáp ứng được nhu cầu cả về chất lượng và số lượng người sử dụng.

Phá bỏ nhà vệ sinh 1,6 tỷ vì hàng ‘dởm’ không thể sử dụng ảnh 1 Trưởng Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu nói về việc tháo dỡ nhà vệ sinh

Cụ thể, trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Vương Vĩnh Thắng – Trưởng Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu cho biết, khi ông Lê Văn Hiệp – Giám đốc Công ty Kim Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam ngỏ ý tài trợ xây dựng nhà vệ sinh thông minh, phía chùa rất mừng. Khi đó, ông Hiệp vẽ ra một viễn cảnh nhà vệ sinh thông minh, sạch sẽ… Thế nhưng, khi nhà vệ sinh vừa đưa vào sử dụng thì đã hư hỏng. Mặt khác, số lượng người sử dụng đông nên không đáp ứng được.

“Đầu năm 2019, đúng mùng 1 tết khi nhà vệ sinh đưa vào sử dụng đã bị hỏng. Phía chùa rất khó khăn kêu thợ đến sửa. Hầu như thợ phải sửa liên tục nhưng không thể sử dụng. Trước tình hình đó, phía chùa buộc phải cho tháo bỏ các vật dụng tự động để người dân sử dụng nhưng cũng không giải quyết được”, ông Vĩnh Thắng -  Trưởng Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu nói.

Ông Thắng cũng cho biết, nhà tài trợ nói dùng các thiết bị nhà vệ sinh cao cấp, hiện đại nhưng thực tế toàn hàng dởm, không có thương hiệu. “Tôi rất bất ngờ và không biết phía nhà tài trợ lấy cơ sở nào để định giá nhà vệ sinh đầu tư 1,6 tỷ đồng. Một căn nhà vệ sinh cấp 4, vật liệu bình thường thì không thể nào có giá như thế. Hiện, chùa cho xây lại một nhà vệ sinh 2 lầu với nhiều phòng vệ sinh, sử dụng hàng hiệu nhưng giá dự trù tối đa chỉ dưới 1,5 tỷ đồng. Công trình mới này quy mô còn hơn rất nhiều so với công trình cũ”, Trưởng Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu nói.

Phá bỏ nhà vệ sinh 1,6 tỷ vì hàng ‘dởm’ không thể sử dụng ảnh 2 Ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu cho rằng nhà vệ sinh cũ không đáp ứng nhu cầu thực tế

Nói về việc phá bỏ nhà vệ sinh, ông Thắng cho biết dù rất lãng phí nhưng buộc phải làm. Bởi vì nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh rất lớn nhưng công trình không thể đáp ứng. Thế nên, vì người dân, khách hành hương buộc phải có một công trình đáp ứng.

“Phía chùa rất cảm ơn doanh nghiệp và trước sau như một vẫn giữ tình cảm chân tình. Việc phá nhà vệ sinh là do nhu cầu chứ không do bất cứ hiềm khích hay áp lực từ phía nào”, ông Lê Vĩnh An – Phó ban trị sự chùa Bà Thiên Hậu khẳng định.

Về việc trước đây khi xây dựng nhà vệ sinh, cơ quan chức năng có đến ngăn chặn, ông Vĩnh An cho hay, chủ đầu tư đã xây lầu 2 làm trụ sở văn phòng công ty không đúng với bản thiết kế cấp phép ban đầu nên thành phố Thủ Dầu Một không cho phép.

Trước đó như Tiền Phong đã phản ánh, dư luận tỉnh Bình Dương xôn xao khi xuất hiện thông tin nhà vệ sinh miễn phí xây 1,6 tỉ đồng trên phần đất của Chùa Bà Thiên Hậu thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một bất ngờ bị đập bỏ sau một năm vận hành. Thay vào đó, là một công trình... tương tự.

Đáng nói, khi phát biểu trên một số tờ báo ông Lê Văn Hiệp (Giám đốc Công ty Kim Hoàng Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam)-người sáng kiến và xây dựng công trình kể trên cho rằng đã bỏ ra 1,6 tỷ đồng để xây dựng nhưng bị đập bỏ chỉ vì, " có cán bộ nào đó ghét hiệp hội nên gây sức ép với ban trị sự nhà chùa".

Phá bỏ nhà vệ sinh 1,6 tỷ vì hàng ‘dởm’ không thể sử dụng ảnh 3 Công trình nhà vệ sinh mới đang xây dựng

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Lộc Hà – Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), tỏ ra bất ngờ và cho biết: Nói việc đập bỏ nhà vệ sinh do "doanh nghiệp không được lòng cán bộ" là điều hết sức vô lý. Bởi vì, đất để xây nhà vệ sinh thuộc chùa quản lý nên chính quyền không có quyền can thiệp. Thông tin doanh nghiệp đưa ra thiếu cơ sở, bằng chứng dễ khiến người dân hiểu nhầm, gây kích động làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và nhà chùa.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết khi tiến hành xây dựng nhà vệ sinh theo diện tài trợ nhưng phía chủ đầu tư đã xin ứng trước tiền nhà chùa trên 500 triệu đồng. Do được hứa trả lại tiền, hơn nữa lại dùng để xây nhà vệ sinh phục vụ người dân nên Ban trị sự chùa chấp thuận. Sau này, trước khi phá bỏ nhà vệ sinh, phía nhà tài trợ đã cho người đến chùa xin được hỗ trợ kinh phí đã bỏ ra.

Khi xây dựng nhà vệ sinh công cộng, chủ đầu tư muốn tận dụng để làm trụ sở làm việc và đặt quảng cáo thu tiền. 
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.