HĐND Hà Nội xem xét tăng phí sử dụng lòng, hè đường:

Hà Nội sẽ tăng giá trông giữ ôtô, xe máy

Tăng phí lòng, hè đường sẽ được HĐND Hà Nội xem xét tại kỳ họp khai mạc sáng nay. Ảnh: T.Đảng.
Tăng phí lòng, hè đường sẽ được HĐND Hà Nội xem xét tại kỳ họp khai mạc sáng nay. Ảnh: T.Đảng.
TP - Trước lo ngại của người dân về đề xuất tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè lên cao nhất gấp 3 lần so với quy định hiện nay của UBND thành phố Hà Nội, trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nói, sẽ chỉ tăng giá tại bãi trông xe thủ công, còn bãi trông xe công nghệ không có biến động. Đây là nội dung sẽ được xem xét tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội lần thứ 5 khai mạc sáng nay.

Tăng từ 1/1/2018

Thưa ông, cơ sở nào để Hà Nội tăng phí sử dụng lòng, hè đường lên cao nhất gấp 3 lần?

Xuất phát từ thực tế, mức giá trông giữ xe hiện nay chưa được điều chỉnh kịp theo cơ chế thị trường nên tình trạng thu cao hơn giá quy định, không niêm yết giá, không có chứng từ… vẫn diễn ra. Qua kết quả khảo sát của liên ngành cho thấy, đa số người dân đã phải chi trả giá cao hơn mức quy định rất nhiều lần. Cùng với đó, các nghị quyết của HĐND thành phố và Đề án quản lý phương tiện giao thông vừa được thông qua cũng nêu rõ, từ nay đến năm 2030 UBND thành phố phải đưa các phương án từng bước hạn chế xe cá nhân trong khu vực trung tâm. Trong các phương án này có việc điều chỉnh mức phí lòng, hè đường và giá trông phương tiện theo hướng tăng lũy tiến. Vừa qua, liên ngành Tài chính, GTVT, LĐ-TB&XH, Thuế đã xây dựng phương án tăng phí sử dụng lòng, hè đường với các tuyến phố lõi (khu bảo tồn cấp I) tại quận Hoàn Kiếm từ 80.000 đồng lên 240.000 đồng/m2 (tăng gấp 3 lần); các tuyến phố còn lại tại quận Hoàn Kiếm tăng từ 60.000 đồng lên 150.000 đồng/m2 (tăng 2,5 lần). Các tuyến phố còn lại trong khu vực từ vành đai 3 trở vào tăng từ 1,5 đến 2 lần.

Với mức tăng trên, cùng với việc đuổi kịp giá thị trường, thành phố cũng đạt được 3 mục tiêu: Hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm, khuyến khích người dân đi lại bằng vận tải công cộng; thúc đẩy đầu tư bến bãi đỗ xe theo quy hoạch, giảm dần đỗ xe trên lề đường, hè phố; quản lý chặt, minh bạch hoạt động trông giữ xe...

Tăng phí lòng, hè đường sẽ đồng nghĩa với tăng giá trông giữ xe, Sở GTVT có phương án cụ thể cho việc này ra sao?

Theo thẩm quyền, mức phí trên địa bàn thành phố sẽ do HĐND quyết định, từ đây thành phố sẽ ra văn bản ban hành các mức giá cụ thể. Với giá trông giữ xe, sau khi được HĐND thành phố thông qua trong kỳ họp này, thành phố sẽ ban hành mức giá điều chỉnh cụ thể cho hoạt động trông giữ xe từ 1/1/2018. Hiện Sở GTVT đã thay mặt liên ngành, tham mưu cho UBND thành phố mức giá trông giữ xe đã được điều chỉnh. Theo đó, sau khi tính toán các mức thu chi cho việc tăng phí lòng, hè đường như trên, giá trông giữ xe tại các tuyến phố lõi tại quận Hoàn Kiếm có các mức: ô tô dưới 12 chỗ có giá 50.000 đồng/lượt (hiện nay là 30.000 đồng lượt - tăng gần 2 lần); xe máy 5.000 đồng lượt (hiện nay là 3.000 đồng/lượt - tăng gần 2 lần); các tuyến phố còn lại tại quận Hoàn Kiếm và các quận nội thành sẽ có giá từ 40.000 đồng/lượt ô tô và 4.000 đồng/lượt xe máy trở xuống.

Hà Nội sẽ tăng giá trông giữ ôtô, xe máy ảnh 1 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện.

Mức giá này liệu có được người dân chấp nhận? Để đạt được các mục tiêu đề ra, phương án còn những hình thức tăng nào, thưa ông?

Từ thực tế kiểm tra, khảo sát chúng tôi thấy rằng, tuy mức phí quy định của thành phố hiện nay cao nhất 3.000 đồng/lượt xe máy, 30.000 đồng/lượt ô tô, nhưng lâu nay người dân tại nhiều khu vực đang bị các điểm trông giữ xe tự phát thu với mức giá tăng 50.000 đồng/ô tô, xe máy 5.000 đồng/lượt, thậm chí vào những ngày lễ, tết giá còn cao hơn. Để tiệm cận với giá thị trường và giúp thành phố thực hiện được các mục tiêu đề ra, đa phần người dân khi được lấy ý kiến đều tỏ ra đồng thuận với mức tăng giá tăng trên. Tuy nhiên, người dân cũng có yêu cầu, thành phố phải quản lý tốt hơn hoạt động trông giữ xe, đảm bảo sau mức tăng trên không còn tình trạng các điểm trông xe “chặt chém” giá cao hơn quy định, đơn vị trông xe cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình, thu chi phải có hóa đơn, chứng từ (vé)... Đảm bảo làm sao người dân được cung cấp dịch vụ giao thông tĩnh văn minh, chuyên nghiệp.

Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục cấp phép tạm thời các điểm trông xe ở lòng, hè đường có đủ điều kiện tổ chức trông xe thủ công, thành phố tiếp tục phát triển, nhân rộng hệ thống trông xe theo cộng nghệ e-parking (tìm chỗ đỗ, thanh toán phí qua điện thoại hoặc thẻ). Khác với việc trông xe lâu nay là thu tiền mặt, trả vé giấy, hình thức trông giữ xe theo e-parking sẽ giúp thành phố kiểm soát tốt hoạt động trông giữ xe theo hướng văn minh, công khai. Ngoài ra, khi áp dụng giá phí mới, người dân vào các điểm đỗ xe e-parking (được nhân rộng tại quận Hoàn Kiếm và các quận trung tâm) số phí trả theo lượt vẫn giữ nguyên là 25.000 đồng như hiện nay. Sở dĩ chúng tôi đưa ra mức giá ở các điểm gửi xe công nghệ này là để vừa khuyến khích người dân tham gia  hình thức đỗ xe công nghệ văn minh, vừa tránh tình trạng bị chặt chém.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trong đó có việc hạn chế xe cá nhân trong khu vực trung tâm, phương án giá trên chỉ phục vụ cho những người dân gửi xe trong thời gian tối đa là 1 lượt (khoảng 2 giờ). Sau đó, mức phí này sẽ tăng lũy tiến theo thời gian gửi. Cụ thể, khi áp dụng phương án trên, giá phí trông xe ô tô tại các quận nội thành theo e-parking (đã được nhân rộng) có mức cao nhất là 25.000 đồng/lượt đầu; các lượt sau đó sẽ tăng dần lên 45.000 đồng/lượt, thậm chí là cao hơn. Với người dân, sau khi áp dụng mức phí tăng trên, nếu đỗ xe ô tô 1 buổi trong khu vực các tuyến phố trung tâm sẽ mất phí đỗ từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng, đây là mức phí chắc chắn nhiều người sẽ phải cân nhắc khi đi ô tô vào khu vực Hoàn Kiếm.

Chỉ tăng cao tại 12 tuyến phố trung tâm

Cùng với tăng giá, nhiều người dân cũng lo ngại các điểm trông xe tự phát sẽ lợi dụng mức tăng này để nâng giá, Sở GTVT có giải pháp gì cho việc này?

Với giá trông xe ô tô, tôi xin lưu ý thêm, mức tăng cao nhất 50.000 đồng/lượt với điểm trông xe thủ công và 25.000 đồng/lượt với điểm e-parking là chỉ tăng tại 12 tuyến phố lõi thuộc khu bảo tồn cấp I tại quận Hoàn Kiếm; các tuyến phố khác còn lại tại quận Hoàn Kiếm và các quận trung tâm trong vành đai 3 chỉ tăng cao nhất từ 40.000 đồng/lượt (tăng thêm 10.000 đồng so với hiện nay). Do vậy khi phương án giá trên thực hiện, nếu chủ phương tiện không đi vào 12 tuyến phố trên thì không phải lo lắng nhiều.

Về vấn đề quản lý, cùng với tăng cường kiểm tra và kiểm soát tốt các đơn vị được cấp phép tham gia trông giữ xe ở lòng, hè đường, để chấm dứt tình trạng vi phạm về giá, thời gian tới Sở GTVT sẽ nhân rộng hình thức trông xe theo công nghệ e-parking ra tất cả các quận nội thành. Trước mắt sẽ là 4 quận trong vành đai 3 là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Theo đó, thay vì chỉ có trên 2 tuyến phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt như hiện nay, sắp tới các tuyến phố tại 4 quận trên sẽ được nhân rộng thêm 1.500 điểm đỗ xe theo công nghệ e-parking.

Cảm ơn ông.

12 tuyến phố tăng phí xe máy, ô tô cao nhất

Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.