Phó Thủ tướng: 'Thiếu dân thì tham nhũng vặt cũng dẹp không xong'

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
TPO - Phó Thủ thường trực Trương Hòa Bình  lưu ý phải phát huy được vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Bởi theo ông “có dân thì tham nhũng lớn cũng diệt được, thiếu dân thì tham nhũng vặt cũng dẹp không xong”.

Ngày 27/6, phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị 10 của Thủ tướng về ngăn chặn tham nhũng vặt, Phó Thủ thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, tuy gọi là “tham nhũng vặt” nhưng tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”…đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Hậu quả tham nhũng vặt rất nặng nề, không kém gì tham nhũng lớn, gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

“Có người nói, đa số cán bộ công chức làm việc tốt, rất trung thực, có trách nhiệm và chỉ có một một bộ phận hư hỏng gây ra tình hình này. Nhưng bộ phận này lại không nhỏ, rải rác ở khắp nơi, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương. Có người còn nói đưa tiền thì họ mới làm, còn không đưa thì không làm, nhưng có người đưa rồi, xin rồi, nhận rồi nhưng không làm. Có phải bôi trơn nhưng chưa trơn, chưa đủ hoặc là không làm được nhưng cứ nhận?”, Phó Thủ tướng nêu.

Về nhiệm vụ trong thời gian, ông Bình nhấn mạnh yêu cầu, nhất thiết phải giảm dần và triệt tiêu tình trạng cán bộ, công chức có hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ khi giải quyết công việc của người dân doanh nghiệp, trong đó cần đặc biệt chú ý đến những lĩnh vực: Thuế, hải quan, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép, cấp chứng chỉ hành nghề, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành… Hầu hết những vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua hầu hết đều liên quan đến những lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng viện dẫn từ việc cán bộ phường vòi vĩnh khi người dân xin cấp giấy chứng tử, cảnh sát giao thông nhận tiền để bỏ qua lỗi vi phạm giao thông, cán bộ hải quan nhận tiền bôi trơn của doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan hàng hóa hay đến những việc nghiêm trọng hơn như như hành vi dọa dẫm, đòi hối lộ trong hoạt động thanh tra chuyên ngành...

Từ đó đặt ra yêu cầu với từng bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ trọng tâm trọng điểm, các khâu, các lĩnh vực, vị trí quản lý nhậy cảm, dễ xảy ra vi phạm để tăng cường thi hành các biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh. “Đây là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng”, ông Bình cho hay.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật, nhất là đối với các lĩnh vực như thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường, thanh tra, kiểm toán, điều tra… phải đảm bảo ngăn chặn cho được tình trạng sách nhiễu, “vòi vĩnh”, đòi “chung chi” để phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý phải phát huy được vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng DN và nhân dân trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Bởi theo ông “có dân thì tham nhũng lớn cũng diệt được, thiếu dân thì tham nhũng vặt cũng dẹp không xong”. Vì vậy, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân để giải quyết thực chất, dứt điểm công việc; có lỗi thì phải công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm.

Đồng thời với việc giúp người dân, DN nâng cao nhận thức thì phải xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm. Kiên quyết xử lý hình sự, không xử lý hành chính đối với những trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

MỚI - NÓNG