Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin phá rừng đặc dụng Thái Nguyên

Hiện trường khu vực khai thác khoáng sản Ảnh: Đ.H
Hiện trường khu vực khai thác khoáng sản Ảnh: Đ.H
TP - Tiền Phong ngày 14/9 có bài: “Làm đường "nông thôn mới" xuyên rừng đặc dụng”. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo và phản ánh của báo chí liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. 

Khai thác khoáng sản “hoá kiếp” bờ xôi, ruộng mật 

Cụ thể, ngày 19/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo và phản ánh của báo chí liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng Thần Sa, thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, từ năm 2008 đến 2010, UBND tỉnh Thái Nguyên ra 3 công văn đồng ý cho Công ty khoáng sản Thăng Long khai thác khoáng sản tại 3 mỏ vàng thuộc địa phận xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Tiếp đó, ngày 5/12/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép số 3068 cho Công ty khoáng sản Thăng Long khai thác trên 1 triệu m3 cát quặng tại mỏ vàng Bản Ná. 

Theo Giấy phép số 3068, chủ đầu tư được khai thác cát quặng trên lô đất 37,25ha với sản lượng 120.000m3/năm, thời hạn 7 năm. Ngày 20/4/2009, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép số 799 cho Công ty khoáng sản Thăng Long khai thác vàng sa khoáng tại khu vực Khắc Kiệm, xã Thần Sa. Theo Công văn 799, Công ty khoáng sản Thăng Long được giao 42,09ha đất có trữ lượng quặng trên 1 triệu m3 cát quặng, thời gian khai thác là 6,5 năm kể từ ngày ký. 

Sản lượng khai thác tại mỏ Khắc Kiệm là 240.000m3/năm. Ngày 7/12/2010, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cấp giấy phép số 2953 cho Công ty khoáng sản Thăng Long khai thác mỏ vàng sa khoáng Nam thung lũng Khắc Kiệm, xã Thần Sa, khu vực khai thác rộng 10,27ha. Với việc được cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại 3 mỏ Bản Ná, Khắc Kiệm và Nam thung lũng Khắc Kiệm, Công ty khoáng sản Thăng Long được giao gần 90ha đất tại xã Thần Sa, trong đó có cả rừng đặc dụng và đất trồng lúa. Với quyết định cấp mỏ thì tới đây sẽ xoá cánh đồng bờ xôi ruộng mật của gần 100 hộ dân xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, trong đó có nhiều phần diện tích là đất lúa hai vụ của người dân bản địa. 

Vượt quy định của Thủ tướng? 

 Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2427 duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 30/3/2015, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 03: Thực hiện nghiêm các chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Thế nhưng, Quyết định số 2646 của UBND tỉnh Thái Nguyên, lại gia hạn cho Công ty khoáng sản Thăng Long được phép khai thác vàng sa khoáng tại mỏ vàng Khắc Kiệm đến năm 2032, vượt 2 năm so với Quyết định 2427 của Thủ tướng. Dự án khai thác mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm có trữ lượng quặng trên 1 tỷ m3 được tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác từ năm 2009. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên cho thấy, mỏ vàng Khắc Kiệm vẫn là vùng đất nguyên thủy, chưa có dấu hiệu khai thác. 

Thay vì thu hồi dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục gia hạn cho Công ty khoáng sản Thăng Long trước khi giấy phép cũ hết hạn chỉ 18 ngày (ngày 20/4/2009 và 2/10/2015). Với trữ lượng còn lại là 241.502m3, theo giấy phép số 799 thì Công ty khoáng sản Thăng Long chỉ khai thác trong 1 năm là hết. Thế nhưng, UBND tỉnh Thái Nguyên lại kéo dài thời gian khai thác lên đến 17 năm. Không chỉ mỏ vàng Khắc Kiệm, mỏ vàng Bản Ná cũng được gia hạn khai thác kéo dài. 
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin phá rừng đặc dụng Thái Nguyên ảnh 1  

Liên quan sự việc trên, phóng viên Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với ông Bùi Thanh Hải - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên nhưng được ông này hướng dẫn qua làm việc với ông Dương Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai để làm rõ sự việc. Sau đó,  phóng viên nhiều lần gọi điện, nhắn tin đến Chủ tịch huyện Võ Nhai Dương Văn Tiến nhưng ông này không nghe máy, không hồi âm tin nhắn. 

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.