Quốc hội có thể lấy phiếu tín nhiệm sớm

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13. Ảnh: PV.
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13. Ảnh: PV.
TP - Nghị quyết 85 của Quốc hội quy định thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn nửa năm, vào kỳ họp thứ 5 thay vì kỳ họp thứ 6 để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, hợp lý giữa cơ quan dân cử với cơ quan Đảng.

Chờ chốt phương án

Theo dự kiến chương trình, phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 từ ngày 12 - 13/3 và đợt 2 vào ngày 20 - 22/3. Đáng lưu ý, tại phiên họp này, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Theo dự kiến ngày 22/3, Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy sẽ trình nội dung này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Nghị quyết 85 năm 2015 của Quốc hội, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tổ chức vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ, tức vào kỳ họp 6, diễn ra vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên được biết, vừa qua đã có ý kiến đề xuất đẩy việc lấy phiếu tín nhiệm lên sớm hơn một kỳ. Nghĩa là sẽ lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2018, thay vì kỳ thứ 6 như nghị quyết quy định.

Do việc thay đổi theo đề xuất này trái với Nghị quyết 85 nên hiện vẫn chưa chốt phương án nào. Chính bởi vậy, Ban Công tác Đại biểu dự kiến sẽ chuẩn bị trình cả hai phương án để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về việc này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh rằng, mọi thứ mới đang chỉ là dự kiến, mới chỉ là chương trình dự phòng và có thể bị rút ra khỏi chương trình. Được biết ngày 8/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định có đưa nội dung này vào chương trình hay không.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một số chuyên gia cho rằng, việc cơ quan dân cử lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn, tức vào kỳ họp giữa năm thay vì cuối năm thì sẽ hợp lý hơn. Như vậy sẽ đảm bảo sự đồng bộ, hợp lý giữa cơ quan Đảng và cơ quan dân cử. Cơ quan dân cử cũng là kênh để kiểm tra lại công tác, uy tín, cũng như xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của những người trong diện được lấy phiếu tín nhiệm.

Sau khi Quốc hội đánh giá chất lượng, uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm, từ đó sẽ phục vụ cho việc bố trí cán bộ của Đảng giữa nhiệm kỳ, như vậy sẽ hợp lý hơn. Nếu cơ quan dân cử lấy phiếu vào dịp cuối năm, trong khi các cơ quan khác quyết định việc sử dụng cán bộ lại làm trước thì sẽ hơi ngược.

Điểm đáng lưu ý, Nghị quyết 85 quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo bằng văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội có hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, nếu việc lấy phiếu tín nhiệm tại khóa này được quyết định đẩy sớm lên nửa năm so với dự kiến thì việc điều chỉnh quy định phải thực hiện ngay để kịp hoàn thiện quy trình.

Cho thôi làm nhiệm vụ một ĐBQH

Một nội dung đáng chú ý tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Ông Mạnh là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đã nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga từ ngày 18/1.

Cũng tại phiên họp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt… Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo nhóm vấn đề, người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn. Cũng tại phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thí điểm “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Qua đó, đại biểu sẽ nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút mỗi lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, thời gian không quá 3 phút mỗi lần. Nếu đại biểu chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.