Quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao

Ông Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban tổ chức T.Ư
Ông Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban tổ chức T.Ư
TPO - Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị T.Ư 8 là đề án về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương.

Tại buổi họp báo ngày 28/9, Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, Hội nghị T.Ư 8 sẽ làm việc trong 5 ngày (2-6/10), với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương.

Trả lời câu hỏi về những nội dung cơ bản của đề án, ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức T.Ư cho biết: Đề án này đã được chuẩn bị kỹ qua nhiều khâu, tổ chức tham vấn, hội thảo, xin ý kiến nhiều đối tượng.

Theo ông Sơn, nguyên lý chung của đề án nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ủy viên T.Ư Đảng. Nội dung quy định được xây dựng ngắn gọn, gồm 4 điều, với tinh thần cán bộ càng cao, càng phải gương mẫu.

Trong đó, điều 1 của dự thảo quy định những nguyên lý chung nhất, như tuân thủ cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng được áp dụng chung cho đảng viên. Còn điều 2 và 3 là quy định dành riêng cho các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên T.Ư Đảng.

Các quy định về trách nhiệm nêu gương theo cấu trúc “có xây có chống”, trong đó “xây trước chống sau”. Trong đó, điều 2 là mang tính xây dựng, với 9 điểm phải gương mẫu thực hiện. Còn điều 3 liên quan đến “chống”, qua đó từng đồng chí trước hết phải nghiêm khắc với bản thân mình và cương quyết chống. “Nghĩa là cương quyết không làm những điều sai trái, và nếu thấy người khác làm thì phải cương quyết chống lại”, ông Sơn lý giải.

Cũng theo ông Sơn, đây là quy định về nêu gương, do vậy mang tính khuyến khích, răn đe và cảnh báo; còn các chế tài mang tính kỷ luật của Đảng và quy định pháp luật thì vẫn thực hiện theo hiện hành. Cá nhân nào vi phạm thì đã có pháp luật điều chỉnh, còn chế tài của quy định nêu gương là gắn với công tác kiểm điểm cá nhân hàng năm và bình xét thi đua.

Các quy định đã có như Quy định 155 về những điều đảng viên không được làm; Quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục có hiệu lực.

MỚI - NÓNG