Sâu lạ tàn phá rừng tràm

Rừng tràm của ông Hồ Văn Ngon bị sâu lạ tấn công.
Rừng tràm của ông Hồ Văn Ngon bị sâu lạ tấn công.
TP - Hàng trăm héc-ta tràm non ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, đang bị một loài sâu lạ tấn công và tàn phá. Người dân và chính quyền địa phương chưa biết cách gì để chống đỡ, tiêu diệt sâu.

Ông Hồ Văn Ngon (69 tuổi, ngụ ấp Phương Bình 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú) có 3.000m2  tràm 1 năm tuổi bị sâu lạ tấn công, ăn sạch lá non. Ông Ngon cho biết: “Sâu lạ xuất hiện từ hơn 1 tháng trước. Chỉ trong một đêm, sâu ăn sạch phần ngọn cây, cành chỉ còn trơ trọi cọng. Thấy xót quá, tôi mua thuốc về xịt, nhưng vài ngày sau khi cây ra lá non lại bị chúng tấn công”. Theo ông Ngon, loại sâu này thường tấn công vào cây tràm từ 1 - 1,5 tuổi, vì đây là giai đoạn cây đang phát triển, có nhiều lá non.

Gia đình ông có hơn 20 năm trồng tràm nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp bị sâu lạ tấn công như thế này. Con trai ông Ngon, anh Hồ Sil cho biết, loại sâu này tàn phá cả ngày lẫn đêm. Mỗi nhánh cây có cả chục con sâu đeo bám. “Khi phun thuốc, tôi thấy sâu chạy rung rinh nhánh tràm nhìn mà rợn người. Trúng thuốc, sâu nằm chết dưới đất như rạ. Từ hôm phát hiện sâu đến nay, gia đình tôi đã phun thuốc 5 lần nhưng vẫn không thể triệt nổi sâu”- anh Sil nói.

Ở nhiều nơi, tràm chuẩn bị thu hoạch cũng bị sâu tấn công. Bà Lê Thu Hoa (người dân ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng) nói: “Không chỉ cây tràm 1 năm tuổi bị sâu tấn công mà cây tràm chuẩn bị thu hoạch cũng bị ảnh hưởng. Vì cây đã quá cao, phun thuốc gặp nhiều khó khăn, tốn kém nên tôi phó mặc cho trời”. Bà Hoa cũng cho biết, do tràm có giá, một công tràm thu về trên 20 triệu đồng, lại ít mất  công chăm sóc nên những năm sau này người dân đổ xô sang trồng tràm. Tuy nhiên, không ai ngờ được có lúc lại bị sâu lạ tấn công dữ dội như lúc này.

Sâu lạ tàn phá rừng tràm ảnh 1 Sâu lạ được tìm thấy trên cây tràm.

Ông Lê Văn Đáng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú cho biết, sâu   này có kích thước to bằng đầu đũa, mình trơn không có lông, sọc đen xanh, không gây ngứa, sinh sản rất nhanh. Loại sâu này đã xuất hiện trên địa bàn cách đây khoảng một năm, nhưng 2 - 3 tháng trở lại đây chúng tấn công mạnh và đặc biệt chỉ ăn lá non của cây tràm Úc. Tuy nhiên, theo ông Đáng, các cơ quan chức năng cũng chưa xác định được đây là loại sâu gì.

“Chúng tôi đã kiểm tra, cho lấy mẫu sâu đem đi định danh để xác định đó là loại sâu gì rồi mới đưa ra khuyến cáo để phòng trị”- ông Đáng nói, đồng thời cho biết, trên địa bàn huyện Mỹ Tú, diện tích trồng tràm nhiều nhất tập trung ở xã Hưng Phú với trên 600 heta. Theo thống kê, tại xã này có khoảng 125 heta tràm bị thiệt hại từ 10 – 30% lá, làm giảm năng suất đáng kể.

MỚI - NÓNG