Sau vụ tàu vỏ thép Bình Định hư hỏng nằm bờ: Ngân hàng e ngại

Các tàu thép bị hư hỏng đang được các cơ sở đóng tàu sửa chữa, khắc phục.
Các tàu thép bị hư hỏng đang được các cơ sở đóng tàu sửa chữa, khắc phục.
TP - Tỉnh Bình Định có 290 tàu vỏ thép đăng ký và được duyệt đóng mới theo Nghị định 67 nhưng hiện mới chỉ giải ngân 60 trường hợp, còn 230 trường hợp chưa được giải ngân.

Kế hoạch của Bộ NN&PTNT phân chỉ tiêu cho tỉnh Bình Định đóng mới 305 tàu theo Nghị định 67 nhưng hiện mới đạt 290 tàu, thiếu 15 tàu. Địa phương vẫn đang tích cực vận động ngư dân. Tuy nhiên, phía ngân hàng bắt đầu ái ngại, e dè, lý do là nếu có rủi ro thì ngân hàng phải gánh chịu hoàn toàn nên phải thận trọng hơn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, liên quan đến sự cố 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng tại Bình Định, hiện hai đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đang tích cực, khẩn trương sửa chữa.

Theo đó, 12/20 tàu bị hư hỏng (trong quá trình sửa chữa, có thêm 2 tàu bị hư hỏng do công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng được đưa vào danh sách sửa chữa) đã được đưa về Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) để sửa chữa. Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã đưa 7 tàu lên đà sửa chữa, đã sơn xong 1 tàu và đang tiếp tục lắp máy mới vào sửa chữa thiết bị theo đúng cam kết. Cty TNHH Đại Nguyên Dương cũng đưa lên đà 5 tàu để sửa chữa, đồng thời tiến hành lấy 10 mẫu thép tiếp tục đi kiểm tra, dự kiến đến ngày 3/8 có kết quả.

“Do cơ sở đóng tàu Tam Quan mặt bằng chật, không đủ chứa cả 20 tàu cùng lúc nên phải lần lượt sửa chữa xong tàu này mới đến tàu khác. Hơn nữa, ngư dân không muốn phải đi xa, đưa tàu đi cơ sở ở tỉnh khác để sửa chữa xa quá, họ không yên tâm”- ông Hổ nói.

Theo kế hoạch, dự kiến ngày 30/8 phải hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa tàu. Tuy nhiên tại Bình Định vừa qua chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa liên tục 1 tuần nên việc hoàn thành khắc phục, sửa chữa có thể kéo dài hơn.

Vấn đề không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc, bằng thép Hàn Quốc hay kiểm tra thép vỏ tàu, nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A (thiếu Mn) thì mới thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A, Sở NN&PTNT đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Tổng cục Thủy sản trả lời bằng văn bản nêu rõ: Đối với vật liệu đóng tàu và máy chính, máy phụ, các trang thiết bị được sửa chữa, thay thế phải đồng bộ, phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt, thỏa mãn các quy phạm kỹ thuật về tàu cá và các quy phạm kỹ thuật có liên quan. Riêng về vật liệu vỏ tàu phải đạt tối thiểu cấp thép loại A theo quy định tại phần 7A, quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép theo QCVN 21:2020 của Bộ Giao thông Vận tải. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã làm việc với 5 chủ tàu cùng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để hai bên cùng bàn bạc phương án giải quyết. Kết quả ngư dân và doanh nghiệp đã thống nhất phương án không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A; chỉ kiểm tra, thay thế những phần thép Trung Quốc không đạt cấp A bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A và công ty sẽ trả tiền chênh lệch giá trị thép cho ngư dân.

Tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, có 12 tàu cá vỏ thép của ngư dân đã được kéo lên đà, nhiều tàu cá đã được làm sạch, phun sơn, sửa chữa chân vịt, tháo gỡ máy. Đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết, 7 tàu cá đã được kéo lên và đang tiến hành sửa chữa theo phương án được tỉnh Bình Định và ngư dân thống nhất. Đối với việc xử lý vỏ tàu bị gỉ sét, đến nay công ty đã làm sạch vỏ tàu, bắn cát, phun sơn xong 5 lớp. Riêng tàu cá của ông Lê Ngô Hát, đã chữa xong hệ lái, vây giảm lắc trên tàu và khắc phục một máy phát điện bị nước biển vào gây hư hỏng đồng thời bắn cát, phun sơn vỏ tàu. Đối với việc khắc phục hầm bảo quản, hầm lưới, đến nay công ty đã tháo xong sàn đáy, vách mạn tàu và tháo bộ tôn bọc vách, làm sạch, sơn hầm bảo quản, lót và bọc gỗ, phun xốp cách nhiệt 4 tàu của các ngư dân. Từ ngày 2 đến 8/8, đơn vị tiến hành đưa 6 máy mới hiệu Mitsubishi lên lắp ráp trên các tàu cá của 6 ngư dân xã Hoài Thanh.

Theo Sở NN&PTNT, sau khi đưa tàu lên đà, cơ sở đóng tàu đã thuê Công ty giám định Vinacontrol phối hợp với cơ quan đăng kiểm tàu cá của Bộ NN&PTNT, Tổ giám sát kỹ thuật của tỉnh, chủ tàu và đại diện chính quyền địa phương tiến hành lấy 10 mẫu thép phần mạn và đáy tàu của 5 tàu cá đưa đi kiểm định chất lượng. Hiện các bên đang chờ kết quả kiểm định mẫu thép để tiến hành sửa chữa.

Ngân hàng e dè

Theo thống kê của tỉnh Bình Định, đến tháng 6/2017, địa phương đã đóng mới 47 tàu vỏ thép tại 9 cơ sở đóng tàu trên toàn quốc. Trong 45 tàu cá vỏ thép đã đi vào hoạt động sản xuất từ 1 - 9 chuyến biển, bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể, 24 tàu sản xuất đạt hiệu quả khá, trung bình lãi khoảng 60 - 80 triệu đồng/ tàu/ chuyến, cá biệt có tàu lãi 500 - 700 triệu đồng/ chuyến biển; có 6 tàu hoạt động hòa vốn và 15 tàu sản xuất chưa hiệu quả, nguyên nhân do trong quá trình khai thác một số tàu bị hư hỏng máy, trang thiết bị khai thác, hầm bảo quản, dẫn đến khai thác không hiệu quả chất lượng thủy sản giám, giá thành thấp. Trong 15 tàu sản xuất chưa hiệu quả có 11 tàu nằm trong danh sách có đơn phản ánh về tình trạng chất lượng của tàu cá vỏ thép.

Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ cho hay, hiện có 290 tàu đăng ký và được duyệt đóng tàu theo Nghị định 67 nhưng mới chỉ giải ngân 60 trường hợp được xem xét, 230 trường hợp chưa giải ngân. “Các trường hợp tàu được duyệt vay vốn nhưng chưa được giải ngân do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, về phía ngân hàng họ bắt đầu ái ngại, không tích cực nữa. Lý do là nếu có rủi ro thì ngân hàng phải gánh chịu hoàn toàn rủi ro, nên phải thận trọng hơn” - ông Hổ nói. Trong kế hoạch của Bộ NN&PTNT phân cho tỉnh Bình Định đóng mới 305 tàu theo Nghị định 67, mới chỉ đạt 290 tàu, còn thiếu 15 tàu.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.