Tài xế vi phạm luật giao thông: Trừ điểm vào bằng lái, có khả thi?

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông tại Hà Nội Ảnh: Nguyễn Hoàn
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông tại Hà Nội Ảnh: Nguyễn Hoàn
TP - Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng CSGT cho biết, đơn vị đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, trong đó có nội dung áp dụng việc trừ điểm vào bằng lái của tài xế vi phạm Luật Giao thông. 

 Tài xế nhờn luật
Trao đổi với Tiền Phong chiều 25/9, đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, hiện đã có các khung xử phạt hành chính với lái xe vi phạm giao thông, tuy nhiên trường hợp vi phạm lỗi nhẹ, tài xế chỉ bị phạt tiền và được nhận lại bằng lái. Thực tế này đi ngược xu hướng của thế giới. Ví dụ, ở Trung Quốc, người tham gia giao thông nếu mắc lỗi về nồng độ cồn sẽ bị trừ 6/12 điểm và nhận cảnh cáo; trường hợp bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại bằng lái.
Đại tá Bình cho rằng tình trạng phạt cho tồn tại dẫn tới người vi phạm nhờn luật. Nếu áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe mỗi khi tài xế vi phạm thì sẽ hạn chế được tiêu cực, quyết định xử phạt có tính răn đe, giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn. Để áp dụng được đề xuất này, ngoài sửa Luật Giao thông đường bộ và các văn bản liên quan, đại diện Cục CSGT cho rằng cần phải đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe trên cả nước, khi xử lý vi phạm cảnh sát chỉ cần tra tên rồi trừ điểm tài xế vi phạm trên hệ thống.
Ủng hộ đề xuất này, đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho rằng đề xuất này cần thiết bởi những năm gần đây xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và một bộ phận tài xế có biểu hiện nhờn luật. Để làm tốt việc này, trước hết các cơ quan liên ngành cần nghiên cứu kỹ các chế tài trong Nghị định 46 từ đó xây dựng, đề xuất sửa đổi bổ sung việc trừ điểm trên Giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế đúng với mức độ vi phạm của từng hành vi. Ngoài ra, liên Bộ Công an - Tài chính - Tư pháp - GTVT cũng cần có sự thống nhất để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu GPLX bằng công nghệ trên phạm vi cả nước. Đồng thời, xây dựng hệ thống camera giám sát tại các nút giao trọng điểm, cao tốc... để đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu hỗ trợ lực lượng thực thi công vụ xử phạt.

Có tiêu cực khi xử lý vi phạm
Theo đại tá Trần Sơn, trước đây cảnh sát từng thực hiện việc cắt góc, bấm lỗ GPLX tài xế vi phạm và hiệu quả răn đe khá rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều tài xế khi tái phạm nhiều lần bị CSGT thu hồi GPLX thì tìm mọi cách “xin xỏ”, chạy bằng để duy trì công việc.
Về ý kiến cho rằng nếu thực hiện trừ điểm GPLX tài xế vi phạm sẽ dẫn đến tiêu cực, đại tá Trần Sơn cho rằng ngành nào cũng có tiêu cực. Do đó, khi xây dựng đề xuất, cơ quan liên ngành cần xây dựng một nội quy nghiêm khắc đối với lực lượng thực thi để cán bộ CSGT, cán bộ trung tâm sát hạch GPLX “không dám, không thể, không được” tiêu cực. Ngoài ra, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, camera giám sát công khai chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành cũng góp phần hạn chế được tiêu cực”, đại tá Trần Sơn nêu quan điểm.
Còn thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng Xử lý vi phạm, Đội CSGT số 1 (Hà Nội) phân tích, biện pháp trừ điểm sẽ được làm căn cứ xác định tài xế vi phạm bao nhiêu lần và ở đâu, qua đó cơ quan chức năng nắm được thông tin để có biện pháp cần thiết. “Hiện việc xử phạt hành chính với các lỗi vi phạm giao thông chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, nhiều tài xế có tình trạng vi phạm rồi bỏ lại bằng lái, cố tình không nộp phạt sau đó làm GPLX mới một cách dễ dàng”, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nói.

Tài xế vi phạm luật giao thông: Trừ điểm vào bằng lái, có khả thi? ảnh 1 Cục CSGT nghiên cứu đề xuất trừ điểm GPLX tài xế vi phạm: ..

Năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng hình thức “bấm lỗ”. Theo đó, GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe. Nếu bị đánh dấu 3 lần thì GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp mới.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Đến năm 2007, Nghị định 146 được ban hành bãi bỏ quy định “bấm lỗ bằng lái”.

Đại tá Bình cho rằng tình trạng phạt cho tồn tại dẫn tới người vi phạm nhờn luật. Nếu áp dụng việc trừ điểm vào giấy phép lái xe mỗi khi tài xế vi phạm thì sẽ hạn chế được tiêu cực, quyết định xử phạt có tính răn đe, giúp nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn.

MỚI - NÓNG